“Đảm bảo thủy điện vận hành nhưng không để vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn thiếu nước” là nội dung của buổi là việc giữa đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn với đại diện UBND tỉnh và UBND TP.Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan cuối tuần qua tại TP. Đà Nẵng.

Lo thiếu nước lẫn thiếu điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2015, hiện tượng El Nino diễn ra đã làm cho mực nước tại các hồ thủy điện trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều hồ thủy điện trong suốt mùa mưa không xuất hiện lũ như Ialy, A Vương, Sông Bung 4… Đối phó với tình hình đó, ngành điện đã tính toán và huy động các nguồn điện đắt tiền (nhiệt điện, dầu…) cấp bù nhằm cho các nhà máy thủy điện hạn chế phát điện và tích nước. Theo ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), về công suất lẫn điện năng hiện nay thủy điện chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện quốc gia. Với tình hình thủy văn không thuận lợi thời gian qua, lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện là 23,7 tỷ mét khối, thiếu hụt hơn 10 tỷ mét khối (so với mực nước dâng bình thường). Mặc khác, giai đoạn hiện nay bắt đầu xuất hiện thiếu điện cục bộ (ở TP.Hồ Chí Minh) nên trong thời gian sắp đến việc cung cầu nội miền (miền Trung và miền Nam) về điện sẽ gặp nhiều khó khăn, cùng với đó sẽ tăng nguy cơ sự cố khi truyền tải cao từ miền Bắc vào miền Nam.

20160307-cuanhannuoc
Thủy điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước cho vùng hạ du vào mùa khô. Ảnh: N.N

Để đảm bảo an ninh năng lượng, các thủy điện tại khu vực miền Trung cần phải có đủ nước để duy trì vận hành đảm bảo đến hết mùa khô. Tuy nhiên, hiện nay đối với lưu vực Vu Gia – Thu Bồn, các thủy điện chỉ vận hành đáp ứng theo yêu cầu nước của hạ du. “Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có 6 thủy điện (tổng công suất là 870 MW) với tổng dung tích hữu ích là 1,18 tỷ mét khối, trong đó 4 hồ có khả năng điều tiết là các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4. Tuy nhiên, dù đã dừng phát điện theo yêu cầu của địa phương từ ngày 8.12.2015 đến nay, mực nước hồ thủy điện A Vương vẫn thấp hơn yêu cầu của Quy trình vận hành liên hồ 1537. Đến ngày 1.3.2016, mực nước hồ A Vương là 370,14m, vẫn thấp hơn so với yêu cầu là 374,2.m” – ông Cường cho biết.

Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam (Sở NN&PTNT) nhìn nhận, công tác vận hành liên hồ trên sông Vu Gia – Thu Bồn trong công tác chống hạn cho hạ du đến thời điểm hiện tại đều nằm trong tầm kiểm soát, điều hành đúng theo nguyên tắc của quy trình liên hồ. Việc điều tiết nước các thủy điện được tính toán sao cho mực nước tại Giao Thủy đạt mức là 1m, đây là mức nước đảm bảo nhu cầu bơm nước phục vụ sản xuất, vừa là mực nước đảm bảo việc chống xâm nhập mặn cho sông Thu Bồn. Cũng chính nhờ nguồn nước dự trữ từ hồ thủy điện, Quảng Nam đã nhiều lần chống được những đợt nhiễm mặn nặng.  

 Cứu hạn theo hướng dài hơi

Thực tế, dù mùa hạn 2016 chỉ mới bắt đầu được 2 tháng (mùa cạn hệ thống Vu Gia – Thu Bồn được tính từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm) nhưng hiện nay 3/4 hồ thủy điện lớn đã được vận hành theo hướng điều tiết chống hạn. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước thì điều hành chống hạn theo Quy trình liên hồ 1537 cần mang tính dài hơi và cần tính toán theo một chu kỳ thời gian nhất định (10 ngày một lần) để có kế hoạch vận hành cụ thể cho từng nhà máy thủy điện. Ông Bẩy cũng lưu ý việc cân đối nguồn nước phục vụ nông nghiệp và sản xuất cần được tính toán linh hoạt và sát với thực tế nhất (hình thức lấy nước nông nghiệp và sinh hoạt khác nhau), đảm bảo tiết kiệm nước cho các hồ thủy điện. Trước đó, nhằm giải quyết nhanh chóng những vấn đề cấp bách đảm bảo nguồn nước cung cấp cho hạ du, Cục Quản lý tài nguyên nước đã lập kênh thông tin (đường dây nóng) với Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, A0 và 4 nhà máy thủy điện lớn này.

Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được ban hành kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ (cho cả mùa lũ và mùa cạn, gọi tắt là Quy trình liên hồ 1537). Việc vận hành các hồ căn cứ theo thời kỳ sử dụng nước, mực nước tại Ái Nghĩa và Giao Thủy. Nếu hạn hán, thiếu nước, các nhà máy thủy điện sẽ thực hiện vận hành theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, việc đảm bảo an ninh năng lượng là rất quan trọng và thủy điện là một trong những nguồn cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện nay, Quảng Nam tiếp tục thực hiện vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn đúng theo nguyên tắc của Quy trình liên hồ do Thủ tướng ban hành. Đặc biệt, ngoài việc duy tu, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian thấp điểm xả nước (từ ngày 15.4 đến 15.5) do nhu cầu tưới tiêu của mùa vụ ít, nên đề nghị các thủy điện cần có phương án phòng chống lũ lụt sớm. Vì tình hình dự báo bão lũ sau hiện tượng El Nino sẽ rất khó lường. “Sự phối hợp chặt chẽ của các thủy điện, đặc biệt là thủy điện A Vương và địa phương thời gian qua đã thực sự góp phần chống hạn cho hạ du” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, vai trò vì mục đích dân sinh trong vận hành thủy điện đã được đặt trên lợi ích kinh tế và phát điện, nhất là trong tình hình thiếu nước như hiện nay. Vì vậy, điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ công tác chống hạn là việc làm mang tính cấp bách nên việc vận hành các hồ thủy điện cần đảm bảo hài hòa giữa phục vụ dân sinh; phát điện và lợi ích kinh tế của các chủ đầu tư thủy điện. Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đối phó với mùa hạn 2016 này, các hồ thủy điện trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn cần vận hành theo nguyên tắc chung của Quy trình liên hồ 1537, bên cạnh đó UBND tỉnh Quảng Nam cũng nên có những điều chỉnh linh hoạt theo thực tế, đúng thời điểm cần nước của hạ du, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bên trong việc điều tiết nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất sinh hoạt cho vùng hạ du trong năm này.

Theo Báo Quảng Nam