Mặc dù đã 8 năm trôi qua, nhưng những dấu ấn của trận lũ lịch sử năm 2009 mãi mãi không phai mờ. 

20170808-av1
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Một tổ hợp thiên tai nặng nề hình thành bão số 9 Ketsana đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi với cường độ trên cấp 10 có bán kính 200km, trên cấp 6 có bán kính 350km, bão lớn kèm theo mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 400-600mm, Trà Bồng Quảng Ngãi 915mm, Tây Nguyên là vùng bị thiệt hại rất nặng nề về cả người và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu…Riêng Kontum có 40 người chết và mất tích. Trưa 29-9-2009, khi gió bão gầm rít trên đầu, thông tin báo người chết, nhà đổ, lời cầu cứu giúp đỡ từ các địa phương tới tấp gọi về ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thì cũng là lúc lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhận được báo cáo xin được xả nước hồ thuỷ điện A Vương.
 
Trong cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay buổi trưa đó, tất cả lãnh đạo tỉnh đều thống nhất không đồng ý cho xả lũ, nhưng sau đó ít tiếng đồng hồ, thông tin từ Công ty CP thuỷ điện A Vương (AVC) báo về, nếu không cho xả lũ thì nguy cơ vỡ hồ chứa. Không còn sự chọn lựa nào khác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và các thành viên đành phải chấp nhận cho xả lũ.
 
Ngay sau khi A Vương tiến hành xả lũ, lũ bắt đầu lên vùn vụt, mỗi giờ nước lên hơn 10cm. Đỉnh lũ lúc 3 giờ sáng ngày 30-9-2009, nghĩa là sau 11 giờ xả lũ từ hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương, đã vượt xa đỉnh lũ lịch sử của các năm gần 2 mét nước. Vùng hạ lưu ngập chìm trong lũ khi bão chưa tan.
 
20170808-av2
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Sau “sự cố” xả nước, dẫn đến ngập lụt sâu và rộng bất thường trong mùa lũ lớn năm 2009, AVC đã tiến hành ngay kế hoạch truyền thông cộng đồng tại huyện Đại Lộc. Theo đó, mở rộng truyền thông cộng đồng, tìm kiếm sự thông hiểu và hợp tác phòng lũ từ chính quyền và người dân vùng ngập lụt, không để lặp lại những sai lầm đáng tiếc của nhà máy hay sự bất cẩn của người dân trước thiên tai làm hại đến sinh mệnh cộng đồng. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp đã được cụ thể hóa bằng việc tiến hành đầu tư cho hệ thống truyền thông cộng đồng phòng tránh lụt bão bao gồm các pano, mốc thước, mốc vạch, hệ thống bản đồ, các tài sản liên quan… tiến tới lập một bản đồ ngập lụt cho khu vực. Mỗi xã được cấp một bản đồ có đánh dấu các mốc báo mức độ ngập theo mã định vị toàn cầu để quản lý mốc và kiểm soát mức độ ngập nhằm giúp cộng đồng nhận biết để phòng tránh.  AVC thường xuyên truyền thông phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tới cộng đồng học sinh và dân cư địa phương, đưa người dân tham gia giám sát công tác vận hành nhà máy thủy điện A Vương mùa lũ, đầu tư lập quy hoạch sơ đồ báo mức ngập tại các vùng thấp thuộc lưu vực…
 
AVC đã đặt 72 cột mốc báo ngập lụt cho các xã vùng hạ lưu, phát áo phao đến các đội xung kích và các ban phòng chống lụt bão, thì việc phát radio, loa cầm tay cho các trưởng thôn thông tin tại từng thôn xóm về bão lũ và hướng dẫn cư dân địa phương cách sử dụng vật liệu thông thường tại địa phương để làm áo phao,chuẩn bị lương thực ngay mùa lũ. Minh bạch của AVC được thể hiện từ sự giám sát của người dân trong quy trình xả lũ, tích nước của hồ chứa đã tạo sự đồng thuận từ cộng đồng và đặc biệt là người dân các xã của huyện Đại Lộc. Sự hợp tác từ hai phía này đã giúp người dân vùng hạ du nâng khả năng phòng tránh, ứng xử hợp lý trong các tình huống lụt bão thực tế.Khả năng tổ chức ứng phó với thiên tai đã nâng lên, vì vậy, trong suốt 8 năm qua đã không xảy ra thiệt hại về người và tài sản vùng hạ du của hồ thủy điện A Vương.
 
Chính cuộc đối chọi với thiên tai nghiệt ngã năm 2009, AVC đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có cách làm bài bản và chuyên nghiệp hơn trong công tác phòng chống lụt bão, nhiệm vụ quan trọng không kém phần sản xuất kinh doanh điện.
 
20170808-av3
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngoài chuẩn bị kỹ càng cho phương án phòng chống lụt bão, AVC đã xây dựng Trung tâm thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và đưa vào hoạt động ngay năm 2010. Hệ thống tự động báo mức ngập vùng hạ du sông Vu Gia thông qua tin nhắn tại một số vị trí đặc biệt sẽ được phát tín hiệu về Trung tâm này để cảnh báo. Tại đây, hệ thống thông báo xả tràn hồ chứa nhận thông tin xả tràn qua điện thoại di động và thông báo cho người dân trong khu vực biết. Tại trung tâm, cầu Hà Nha, trung tâm huyện Đại Lộc, các xe phòng chống lụt bão đều lắp đặt các còi hủ báo động lũ lụt và xả tràn hồ chứa.
 
Ngoài việc trang bị máy vô tuyến tần xa kết nối với Đài thông tin Duyên Hải, AVC còn trang bị điện thoại vệ tinh tại đập A Vương, đảm bảo hệ thống thông tin tín hiệu không bị gián đoạn trong suốt mùa mưa bão. AVC đã ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cung cấp thông tin về lượng mưa, lưu lượng nước về hồ A Vương, mực nước hồ, bản tin dự báo lũ, tư vấn điều tiết xả tràn khi mưa lũ để chủ động đối phó với thiên tai.
 
Để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ năm 2017, nằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, AVC đã xây dựng phương án với phương châm “bốn tại chỗ”. AVC đã tổ chức diễn tập phương án phòng chống lụt bão, hoàn thành việc bảo dưỡng hệ thống các hạng mục công trình tuyến đầu mối, kiểm tra nguy cơ sạt lở các tuyến đường giao thông nội bộ để khắc phục thông tuyến nhanh chóng khi có sự cố xảy ra; bảo dưỡng và thử vận hành cầu trục chân dê đập tràn, đóng mở thử cửa van cung đập tràn, hệ thống cảnh báo, thông tin xả tràn ở vùng hạ du và hệ thống camera giám sát, hệ thống nối đất và hống sét…
 
Nói đến lũ bão, chắc chắn không thể bỏ qua các tỉnh miền Trung, nơi phải hứng chịu rất nhiều trận bão lũ hàng năm. Cũng như con người miền Trung, AVC luôn xác định, không thể ngăn cản thiên nhiên. Vì vậy, AVC đã giúp người dân vùng hạ du cùng nhận thức điều này để học cách sống chung với lũ bão và ứng phó khi thảm họa xảy ra. Tám năm qua, với sự hỗ trợ của AVC, các xã của huyện Đại Lộc- tỉnh Quảng Nam đã “vượt vũ môn” là nhờ thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả.

 Theo  Icon.com.vn