Sông suối khô cạn, đất đai nứt nẻ, hàng chục nghìn ha cây trồng mất mùa, chết khô, nông dân vật lộn tìm nguồn nước tưới và sinh hoạt.

Hơn 14h một ngày đầu tháng 3, trong căn nhà nhỏ ở thôn Cửu Đạo, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai, một người phụ nữ gầy gò đến cạnh giường, hối thúc chồng ra đồng. Ông Trần Công Sỹ, 67 tuổi, miễn cưỡng ngồi dậy, cầm rựa ra khu đất trước nhà chặt những cây mía còn sót lại sau thu hoạch, mang về cho đàn bò ăn.

Trên mảnh đất khô cằn, dưới cái nóng 35 độ C, ông Sỹ than phiền rằng, hơn 20 năm trồng mía, chưa năm nào gia đình ông gặp thua lỗ như năm nay. Sản lượng trung bình hàng năm 50-60 tấn mía trên một ha, nhưng vụ mùa vừa rồi, gần 2 ha mía ông chỉ thu được 14 tấn.

Ông kể, năm ngoái, con đường đất dẫn vào khu rẫy trước mặt ông, bụi tung mù mịt bởi hàng chục chiếc xe tải vào ra chở mía. Giữa đồng, cả trăm nông dân cười nói rôm rả, luôn tay chặt mía, bốc lên xe chở về nhà máy. Còn bây giờ khung cảnh lại đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều đồng mía đã khô vàng, bông lên cao nhưng chưa thu hoạch. 

May mắn hơn các nông dân trồng mía ở thị xã An Khê, 10 ngày trước, vợ chồng ông Sỹ thuê được tám nhân công chặt vườn mía bán cho một đại lý ở thị xã, song vẫn bị người thu mua “chê lên chê xuống”. Mía đã chở đi, nhưng đến bây giờ, vợ chồng ông vẫn chưa biết giá cả bao nhiêu.

Ông Sỹ chặt những cây mía không lớn nổi do hạn hán về cho đàn bò ăn. Ảnh: Trần Hóa.

Ông Sỹ chặt những cây mía không lớn nổi do hạn hán về cho đàn bò ăn. Ảnh: Trần Hóa.

Vườn mía vừa thu hoạch vợ chồng ông Sỹ trồng mới từ hai năm trước. Năm ngoái, gia đình ông thu được trên 100 tấn, bán với giá 400 – 500 đồng một kg. Trừ chi phí chăm sóc, phân bón… ông nhẩm tính lãi khoảng 50 triệu đồng.

Thu hoạch xong vụ đầu tiên, ông Sỹ thu gom và đốt những thân, lá mía sót lại trên đồng. Chờ khi mưa xuống, gốc mía cũ sẽ mọc lại thành cây mới, rồi tiếp tục chăm bón, thu hoạch – mỗi lần trồng mới sẽ cho thu 3-4 vụ.

Theo kinh nghiệm hơn 20 năm trồng mía, lão nông tin rằng, cứ tháng 9-10 hàng năm, thường có mưa dầm – đó là lúc vườn mía cần nước để phát triển tốt. Nhưng năm rồi, mọi chuyện đã nằm ngoài dự đoán của ông, chỉ có vài đợt mưa nhỏ, khiến cây mía không lớn nổi, trở nên còi cọc. Số đó thương lái không mua, bỏ lại giữa đồng, ông cố vớt vát bằng cách chặt về cho bò ăn.

Ông Sỹ hiện còn 4 sào (2.000 m2) mía đã trổ bông, chưa thu hoạch được vì tìm không ra nhân công. Bây giờ, chỉ cần có lao động, họ sẵn sàng chặt bán tháo để trồng cây khác, trong khi vườn mía có thể thu hoạch thêm một đến hai năm nữa.

Ông Phan Vĩnh Tấn, Phó phòng Kinh tế thị xã An Khê cho hay, trên địa bàn hiện có gần 3.000 ha mía, sản lượng trung bình đạt khoảng 60 tấn trên một ha. Do ảnh hưởng của nắng hạn vụ đông xuân 2019 – 2020, sản lượng sụt giảm hơn một nửa.

Thị xã An Khê có 165 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, phần lớn là các ao, bàu, đập nhỏ. Nắng hạn kéo dài, các hồ nhỏ hầu như đã cạn nước, ở mực nước chết. Nhiều công trình thủy lợi lớn cạn khô, dung tích hồ chỉ còn 10-30 % so với dung tích ban đầu. Một số nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.

“Chưa có năm nào, khô hạn gây thiệt hại cho cây mía ở An Khê nặng nề như năm nay”, ông Tấn nói và cho biết, chính quyền đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng ở những nơi thường xuyên thiếu nước.

Cách nhà ông Sỹ khoảng 100 km, tuần trước, cái giếng sâu 10 m của gia đình bà Đinh Lơch, 43 tuổi, ở xã Ayun, huyện Chư Sê, bắt đầu cạn khô, trong khi bể nước sạch phục vụ cho 170 hộ làng Keo, nhiều tháng nay bị hư hỏng, không có giọt nước nào.  

Gia đình bà bỏ tiền thuê người về đào giếng sâu hơn, nhưng đào thêm vài mét nữa vẫn không có nước. Bà và người con gái, đành ra sông Ayun, đào những cái hố nhỏ, lấy nước trong về sử dụng. Một ngày, họ lấy hai lần, mỗi lần gùi 15 – 20 chai. Còn tắm giặt phải ra sông, suối.

Cũng tại khu làng dân tộc Ba Na này, mọi năm, thời điểm này, cái giếng nhà bà Lơch vẫn còn nước, hộ nào không có giếng, thỉnh thoảng qua gùi về dùng thoải mái. “Nhưng không hiểu sao, năm nay lại cạn sớm”, bà Lơch nói và cho biết, hiện cả nhà phải chắt chiu từng giọt, bởi mỗi lần đi lấy nước rất khổ cực.

Người dân xã Ayun, huyện Chư Sê phải sông, suối hứng nước về sinh hoạt. Ảnh: Trần Hóa.

Người dân xã Ayun, huyện Chư Sê phải đến sông, suối lấy nước về sinh hoạt. Ảnh: Trần Hóa.

Đến nay, Gia Lai chưa thống kê được diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, nhưng một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, và nước tưới khốc liệt vào thời gian tới, đặc biệt ở huyện Chư Sê, An Khê, Ayun Pa, Đăk Pơ, Krông Pa.

Năm 2016, năm tỉnh Tây Nguyên từng hứng chịu đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, tổng thiệt hại trên 160.000 ha cây trồng. Riêng Gia Lai, đỉnh điểm “cơn khát” vào cuối tháng 3, khiến gần 50.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, mất trắng. Gây thiệt hại hơn 150 tỷ đồng, 15.000 hộ thiếu đói. 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên năm nay còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75 % so với cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 90%. Dự báo Tây Nguyên hạn nặng vào giữa tháng 3.

Tuần trước, một số huyện, thành phố ở các tỉnh phía Nam Tây Nguyên có vài cơn mưa, nhưng lượng nước không đủ “giải khát” cho vùng đất rộng lớn.

Tại Đăk Nông, tình trạng thiếu nguy cơ lan trên diện rộng với 15.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng; Kon Tum, gần ba tháng nay không có mưa, lượng nước trên các sông suối trên địa bàn đang thiếu hụt 40-80% so với trung bình năm. Nhiều cánh đồng không có nước nên cây lúa héo rũ. Ruộng nứt toác, cua, cá chết khô trên đồng. 

Đăk Lăk có 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Trong khi các con sông lớn như Krông Ana, Krông Buk thiếu hụt từ 50 đến 70% so với trung bình nhiều năm. Theo dự tính, trong một đến hai tháng tới, toàn tỉnh có hàng nghìn ha cà phê, cao su, hồ tiêu… thiếu nước tưới.

Hàng trăm ha cà phê ở Lâm Đồng khô héo do nắng hạn. Ảnh: Hoài Thanh.

Anh K’Brèo, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng đứng nhìn vườn cà phê chết héo vì thiếu nước tưới. Ảnh: Hoài Thanh.

Ngược xuống phía Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, tập trung huyện Đạ Tẻh hơn 1.150 ha; huyện Đạ Huoai 6.780 ha. Mực nước ở 10 hồ lớn của tỉnh không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó, các hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Ma Đanh, BôkaBang (huyện Đơn Dương) giảm gần 7 m. Theo dự báo 25 nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô, hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

Dưới cái nắng 36 độ C, anh K’Điệp, 36 tuổi, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh loay hoay tìm nguồn nước tưới cho hơn 3 ha cà phê của gia đình đang héo rũ, rụng lá. Thậm chí nhiều cây đã cháy khô. Trong khi hai cái giếng khoan đã khô cạn.

Để cứu cây trồng, anh cùng một hộ dân khác đang góp hơn 50 triệu đồng thuê máy múc đào hai ao tìm nước tưới. Tuy nhiên, do mực nước trong ao quá cạn, vườn cà phê của gia đình lại ở trên đồi cao nên phải nối tới 20 cuộn ống dài hơn 1.000 m mới tới.

Anh dùng hai máy công suất lớn để bơm, nhưng nước chưa tới vườn hồ đã trơ đáy. “Nếu 15-20 ngày nữa không có mưa, chắc vườn cà phê của gia đình thành đống củi”, anh K’Điệp lo lắng. Còn vợ chồng ông Sỹ ở Gia Lai quyết định không trồng mía nữa, chuyển sang trồng mì. Bởi hôm rồi, ông nghe báo đài dự báo tình hình khô hạn còn kéo dài.

Nguồn tin VN Express