Thứ Hai, 24/06/2019, 08:54 [GMT+7]

Các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đã được vận hành nhiều năm nay, nhưng bất cập về thời gian ngừng xả nước kéo dài làm mực nước, dòng chảy trên sông Vu Gia biến động lớn vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, việc vận hành các hồ thủy điện không đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn mà Chính phủ phê duyệt và cũng không đúng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp diễn, khiến sông Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn nặng, gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ thủy điện A Vương vận hành không đúng quy định kết hợp triều cường cao làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng vừa qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ thủy điện A Vương vận hành không đúng quy định kết hợp triều cường cao làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng vừa qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Về khắc phục các bất cập nói trên, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, đơn vị quản lý và vận hành hồ thủy điện A Vương, hồ chứa không xả nước đúng như chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gây nhiễm mặn nặng cho sông Cầu Đỏ và thiếu nước sinh hoạt vừa qua.

* Thưa ông, từ ngày 13-6 đến 18-6, vì sao Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) không huy động hồ thủy điện A Vương xả nước đúng như chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2411/BTNMT-TNN ngày 27-5-2019 làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng?

– Việc này là do nhiều điều kiện ràng buộc của thị trường phát điện cạnh tranh. Trong một số năm trước đây, hồ thủy điện A Vương được tách ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để chỉ phát theo yêu cầu cấp nước hạ du. Việc này làm cho sự phối hợp giữa hồ thủy điện với hạ du dễ dàng hơn, chạy máy phát điện theo yêu cầu cấp nước hạ du là chính.

Tuy nhiên, vào ngày 27-9-2018, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 28/2018/TT-BCT về quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó quy định, không được tách nhà máy phát điện nào ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.

Hơn nữa, việc nhiễm mặn của sông Cầu Đỏ trong những ngày qua (từ ngày 11-6 đến 20-6-2019) là do triều cường cao. Lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) và bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) thành phố đã liên lạc, trao đổi với Công ty CP Thủy điện A Vương. Công ty đã liên lạc với A0 để báo cáo và đề nghị A0 huy động thủy điện A Vương tăng cường phát điện.

Đồng thời, công ty đã có công văn gửi A0 về việc vận hành hồ thủy điện A Vương trong các tháng còn lại của mùa cạn năm 2019 và cũng đã gửi các công văn của Dawaco, Sở Tài nguyên và Môi trường cho A0. Nhờ đó, A0 đã nới cho thủy điện A Vương thêm thời gian và công suất phát điện, lưu lượng xả nước để cấp thêm nước về hạ du. Đặc biệt, từ ngày 20-6 đến nay, A0 huy động thủy điện A Vương phát điện, xả nước nhiều hơn về hạ du và sông Cầu Đỏ hết bị nhiễm mặn.

* Để sông Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn nặng kéo dài, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất việc thực hiện vận hành xả nước luân phiên đối với 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4. Vì sao hồ thủy điện A Vương chưa được huy động xả nước luân phiên?

– Việc này cần được tính lại. Hệ thống điện đang “căng như dây đàn”, bây giờ ưu tiên điều tiết, điều hòa cấp nước cho hạ du thì ảnh hưởng đến cấp điện, phải nói thẳng như vậy. Việc A0 huy động thủy điện A Vương tăng công suất phát điện và lưu lượng xả nước lên đã khó, đưa hồ thủy điện A Vương phát điện qua giờ thấp điểm về giá điện (từ tối đến rạng sáng) sẽ càng khó hơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ thủy điện A Vương vận hành không đúng quy định kết hợp triều cường cao làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng vừa qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ thủy điện A Vương vận hành không đúng quy định kết hợp triều cường cao làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng vừa qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Còn nhiều khó khăn, song, A0 đã huy động hồ thủy điện A Vương tăng cường phát điện mà không chờ đến công văn. Vừa qua, có một số bài báo chỉ trích Công ty CP Thủy điện A Vương, nhưng thực ra, sự cố gắng của công ty chỉ đến mức độ nhất định, kết hợp với những sự phối hợp của A0 nên tình hình nhiễm mặn đã được khắc phục.

* Chia sẻ với những khó khăn của ngành điện, song, tình hình nhiễm mặn của sông Cầu Đỏ gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến vẫn rất đáng lo, nếu hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 không xả nước luân phiên để điều hòa dòng chảy sông Vu Gia. Để hồ thủy điện A Vương xả nước luân phiên, cần điều kiện gì, thưa ông?

– Để điều hòa dòng chảy sông Vu Gia, cần phải có một số phương pháp điều hòa từ các công trình khác ở bên dưới 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương. Những thủy điện bậc thang cuối dòng sông Bung (một trong những nhánh sông chính của sông Vu Gia) có dung tích hồ chứa đủ khả năng tích nước của hồ thủy điện A Vương trong 1 ngày, tức là nếu hồ thủy điện A Vương phát điện 1 ngày, các hồ dưới tích lại, có thể không phát 1 ngày. Chẳng hạn 2 hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 có khả năng tích trữ 1 ngày phát điện của A Vương.

Mực nước và dòng chảy trên sông Vu Gia còn phụ thuộc vào các hồ thủy điện bậc thang ở bên dưới, chứ không chỉ là vấn đề của hồ thủy điện A Vương hay hồ thủy điện Sông Bung 4. Tuy nhiên, nếu yêu cầu các hồ thủy điện bậc thang ở bên dưới phát điện đều thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của họ.

Vì vậy, cần có cơ chế để bảo đảm có mức phát điện đều, điều hòa dòng chảy của các hồ thủy điện cuối cùng.  Bên cạnh cơ chế, nhiều câu hỏi được đặt ra như điều hòa dòng chảy đến mức độ nào là phù hợp? Các hồ thủy điện cân đối lưu lượng nước về ra sao?… đều không dễ trả lời.

* Sắp đến, trong quá trình nghiên cứu, tính toán để sửa lại Quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, các nhà khoa học và các chủ hồ thủy điện phải tính thêm bài toán điều hòa dòng chảy trên sông và lợi ích kinh tế của các chủ hồ thủy điện sao cho hợp lý ?

– Việc này rõ ràng là phải tính toán. Ở nước ngoài đã làm hết rồi, hồ thủy điện nào ở bậc thang cuối cùng và có trách nhiệm điều hòa cho dòng chảy hạ du thì hồ thủy điện đó được thêm phần lợi ích kinh tế từ điều hòa tài nguyên nước. Giữa lợi ích của hạ du và lợi ích của hồ thủy điện cần được tính toán, nghiên cứu cho hợp lý, hài hòa. Việc này rất tốt, chúng tôi nghĩ là làm được.

* Xin cảm ơn ông!

* Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Điều hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia: Huy động các hồ thủy điện xả nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của địa phương

Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các hồ thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để vận hành phát điện, xả nước đáp ứng theo yêu cầu sử dụng nước của các địa phương ở hạ du cũng như các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Riêng hồ thủy điện A Vương đã nỗ lực bảo đảm nước cho hạ du. Qua kiểm tra cho thấy, hồ thủy điện A Vương đã vận hành xả nước tối đa qua 1 tổ máy phát điện (trước ngày 20-6-2019) và hiện đã huy động thêm 1 tổ máy phát điện xả nước. Sắp đến, chúng tôi sẽ cố gắng vận hành các hồ thủy điện xả nước đáp ứng theo yêu cầu của các địa phương và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

* Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng: Thiếu sót chế tài xử phạt đơn vị huy động phát điện

Cái khó là dù các chủ hồ thủy điện muốn phối hợp xả nước cho hạ du phải được A0 đồng ý. Quyền điều hành phát điện thông qua xả nước của các hồ thủy điện gần như thuộc về A0. Luật Tài nguyên nước cũng không có điều khoản quy định về xử phạt A0 vì không thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được Chính phủ phê duyệt.

Sắp đến, khi sửa đổi quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, chúng tôi sẽ đề xuất nghiên cứu chế tài xử phạt A0 nếu không huy động các hồ thủy điện xả nước đúng quy định.

* Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng: Hai hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 phải xả nước luân phiên

Để giảm thiểu xảy ra nhiễm mặn nặng ở sông Cầu Đỏ, gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố, cần thiết phải duy trì mực nước và dòng chảy trên sông Vu Gia. Nhằm không để mực nước và dòng chảy của sông bị biến động, Đà Nẵng và Quảng Nam đã đề xuất 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xả nước luân phiên trong ngày và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất. Vì thế, A0 cần phải huy động cả 2 hồ thủy điện này xả nước luân phiên trong ngày.

Theo Báo Đà Nẵng