Với niềm đam mê, nhiệt huyết cho nghiên cứu khoa học, em Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đã sáng chế ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, nổi bật là “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” đã đạt giải cao tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học và sẽ được ứng dụng vào thử nghiệm trong năm nay.

Từ những ý tưởng nhân văn

Gặp gỡ sinh viên Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (sinh viên năm cuối, Khoa Điện tử – Viễn thông, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) trong một buổi sáng cuối tuần tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, cậu sinh viên năm cuối đến từ vùng đất Thăng Bình, Quảng Nam giản dị với dáng hình mảnh khảnh, đầy suy tư nhưng cũng rất vui vẻ tự tin. Nhật Thương hăng hái chia sẻ: “Trong khoảng thời gian vài tháng trở lại đây tối nào em cũng không ngủ được, em đang ấp ủ rất nhiều dự định và đề tài nghiên cứu khoa học mới để giúp đỡ cộng đồng khiến em cứ trằn trọc suy nghĩ”. Hình ảnh của Thương đã để lại ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi về một ngọn lửa tuổi trẻ đầy sáng tạo, đam mê và nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học, với sự phát triển của cộng đồng.

Là một cán bộ Đoàn năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đã chứng kiến và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, trong con người của cậu sinh viên năm cuối luôn âm thầm suy nghĩ làm sao tạo ra những sáng chế hữu ích giúp đỡ cộng đồng. Năm 2015, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đã cho ra đời sản phẩm đầu tay là “Kính thông minh cho người khuyết tật”, tiếp theo đó là “Hệ thống thông báo cho người thân khi gặp sự cố té ngã” và mới đây nhất là “Hệ thống giúp cảnh báo lũ sớm”.

Nhật Thương chia sẻ: “Mình đam mê nghiên cứu khoa học từ khi còn rất nhỏ, nhưng từ khi là sinh viên của trường Đại học Bách khoa, niềm đam mê đó của mình mới có thể thực hiện được. Nhờ tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn của trường mà mình đã gặp gỡ và được những anh chị khóa trên truyền đạt những kinh nghiệm quý báu, cùng nền tảng kiến thức được học từ thầy cô đã giúp mình tự tin hơn khi bắt tay vào việc nghiên cứu khoa học, tìm tòi những đề tài có thể ứng dụng vào cuộc sống.”

20170315-canhbaolu1

Chàng sinh viên Nguyễn Huỳnh Nhật Thương giản dị nhưng đầy nhiệt huyết, đam mê sáng chế giúp đỡ cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện các dự án, Thương đã gặp rất nhiều những khó khăn khi phải làm và thử nghiệm hàng trăm lần nhưng không thành công, khiến chi phí và thời gian bỏ ra ngày càng nhiều hơn. “Là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học phí và sinh hoạt phí đã rất chật vật lại cộng thêm chi phí mua nguyên vật liệu và các dụng cụ cần thiết cho việc nghiên cứu khiến mình nhiều khi phải chi tiêu rất tiết kiệm, chỉ dám ăn mỳ tôm cho qua bữa. Bên cạnh đó là vấn đề thời gian, việc học trên lớp cũng khá bận rộn nên mình tận dụng mọi thời gian có thể, thậm chí là thức cả đêm để tìm tòi, đọc tài liệu trong sách và tra cứu trên Internet những kiến thức chưa được học, nhằm làm phong phú thêm cho những đề tài nghiên cứu của mình. Vì tình yêu với nghiên cứu khoa học và mong muốn giúp đỡ cộng đồng tốt đẹp hơn đã tạo cho mình thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn”, Nhật Thương hào hứng chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, các sáng tạo của Nhật Thương đã  đạt nhiều giải thưởng như: huy chương Bạc cuộc thi về khởi nghiệp Mekong Business Challenge 2015 các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; giải Nhì cuộc thi “Texas Instruments Innovation Challenge: Vietnam MCU Design Contest 2016”; giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016″ của Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và Sở Khoa học Công Nghệ TP Đà Nẵng tổ chức. Đặc biệt, Nhật Thương cũng vừa vinh dự nhận được Giải thưởng “Sao tháng giêng” năm 2017 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.

“Hệ thống cảnh báo lũ sớm”

Một trong những sản phẩm sáng tạo khiến sinh viên Nhật Thương tâm đắc nhất đó là “Hệ thống cảnh báo lũ sớm”, thành quả của 1 năm nghiên cứu, sáng tạo không ngừng mệt mỏi của em. Sản phẩm đã giúp Thương giành giải Nhất tại Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016 của Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và Sở Khoa học Công Nghệ TP Đà Nẵng tổ chức. Đồng thời, dự kiến trong năm nay Nhật Thương sẽ phối hợp với Trường Đại học Bách khoa và các cơ quan chức năng triển khai thử nghiệm mô hình “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” ở khu vực sông Vu Gia, Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam).

Nhật Thương cho biết, ý tưởng thực hiện “Hệ thống cảnh báo lũ sớm tự động” bắt đầu từ việc nhiều gia đình bị thiệt hại về người và tài sản vì các đợt lũ lớn ập đến bất ngờ. Sau khi tra cứu, em đã nhận thấy những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh và phức tạp, nhiều khu vực và người dân đã bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Từ đó em suy nghĩ cần phải làm một điều gì đó giúp người dân vùng thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, và bắt tay triển khai mô hình này.

Khác với các mô hình cảnh báo lũ tự động khác được lắp đặt trên sông, “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” của sinh viên Nguyễn Huỳnh Nhật Thương trực tiếp đo đạc lưu lượng mưa tại khu vực sườn đồi và truyền về trung tâm dữ liệu (server) trước khi lũ về, giúp người dân chủ động nắm bắt tình hình để ứng phó với thiên tai hơn. Với hiện tượng biến đổi khí hậu, cường độ và tần số các trận lũ xảy ra càng lớn, diễn biến thất thường và mức độ nguy hiểm cao như hiện nay, mô hình của Nhật Thương càng có ý nghĩa đối với người dân vùng rốn lũ.

“Hệ thống cảnh báo lũ sớm” của Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đã đạt giải cao tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học và sẽ được ứng dụng vào thử nghiệm trong năm nay.

“Hệ thống Cảnh báo lũ” bao gồm ba phần: Trạm đo mưa (đặt tại các vị trí khác nhau trên khu vực sườn đồi), trung tâm dữ liệu (server), trạm phát thanh.

Các trạm đo mưa thiết lập thành một mạng lưới và truyền dữ liệu với nhau bằng công nghệ RF (Radio Frequency – công nghệ được dùng trong viễn thông, là cầu nối trong không gian để chuyển thông tin đến và đi). Khoảng cách giữa các trạm đo mưa có thể cách xa nhau 10 kilomet, trong đó có ít nhất một trạm được đặt trong vùng phủ sóng GPRS, dữ liệu của các trạm khác sẽ được đưa về trạm này để truyền lên trung tâm dữ liệu (server).

Khi trạm đo mưa vượt ngưỡng hoặc tổng hợp thông tin lượng mưa của các trạm còn lại vượt ngưỡng có nguy cơ xảy ra lũ thì hệ thống sẽ hiển thị thông báo trên website, đồng thời có tin nhắn văn bản (SMS) đến người quản lý để thông báo tình hình, hỗ trợ ra quyết định cảnh báo thiên tai và sẵn sàng ứng phó. Ngay sau đó, hệ thống loa phát thanh sẽ phát tin cảnh báo đến người dân sinh sống trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ.

Đặc biệt, “Hệ thống cảnh báo lũ sớm” hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời (tận dụng ánh sáng khi đặt ở khu vực miền núi, trung du, những nơi có địa hình cao, khó có nguồn điện năng) và mạng lưới truyền tin bằng RF giúp các trạm đo mưa có thể được đặt ở những nơi không có sóng 2G/3G/4G.

20170315-canhbaolu3

“Hệ thống cảnh báo lũ sớm” đã giúp Nhật Thương giành giải Nhì cuộc thi “Texas Instruments Innovation Challenge: Vietnam MCU Design Contest 2016 tại TP Hồ Chí Minh (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, hệ thống rất tiện ích cho nhà quản lý khi có thể điều khiển trực tiếp bằng điện thoại thông minh hay trên website. Đồng thời, hỗ trợ ra quyết định ban đầu cho cán bộ phòng chống lụt bão cấp tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên và các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Với hệ thống này, các nhà quản lý thiên tai của Việt Nam có thể giám sát các đợt lũ lụt, cung cấp cảnh báo kịp thời đến địa phương và chia sẻ với các cơ quan ứng phó liên quan về các kết quả nắm bắt tình hình và đánh giá thiệt hại.

Thời gian tới, Nhật Thương sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm đồng thời tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư nhằm phát triển ứng dụng này ra sử dụng phổ biến, rộng rãi hơn trong đời sống, góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con vùng lũ.

ThS Lê Hữu Duy, Giảng viên Trung tâm Xuất sắc, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, người đồng hành cùng các đề tài nghiên cứu của Thương chia sẻ: “Nhật Thương là một sinh viên luôn rất cố gắng chịu khó tìm tòi kiến thức mới cũng như học hỏi các anh chị khóa trên và bạn bè ở những khoa khác, trường khác để làm giàu và đa dạng thêm kiến thức bản thân. Không những nghiên cứu các đề tài khoa học ở nhiều mảng khác nhau mà Thương còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn với chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường, Trưởng ban học tập nghiên cứu khoa học…Đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp Thương sáng tạo được những sản phẩm có ý nghĩa, thiết thực phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, chính sự năng động, sáng tạo này sẽ trở thành một tiền đề tốt cho Thương trong công việc và sự nghiệp sau này.”

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Nhật Thương cho biết, hiện tại đang bắt tay vào thực hiện một đề tài mang tính thời sự cấp nhà nước là xác định độ an toàn của nước dựa vào chỉ số đo đạc được từ đường bơi của cá. Đề tài này được Thương chia sẻ một cách khiêm tốn bởi còn cần nhiều điều kiện và thời gian để hoàn thiện trước khi công bố.

“Trong tương lai, em sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, ứng dụng khoa học phục vụ nông nghiệp để giúp nông dân có thể phát triển kinh tế nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo.” Chàng sinh viên xứ Quảng chia sẻ.

Theo ICTNEWS