Tại nghị trường kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, quy trình về pháp luật, pháp lý về quản lý các dự án thủy điện rất bài bản. Dự án phải có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật; báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ Công Thương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí thư

Sau những chất vấn thẳng thắn của nhiều Đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình, làm rõ những vấn đề về xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành các nhà máy thủy điện. Tại hội trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hiện quy trình về pháp luật, pháp lý về quản lý các dự án thủy điện rất bài bản. Dự án phải có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật; báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn có một vài cá nhân, trong đó có TS. Nguyễn Ngọc Chu (nguyên cán bộ Viện toán học Việt Nam), bày tỏ ý hồ nghi và có ý kiến trái chiều về những kết quả này. Trong đó, TS.Nguyễn Ngọc Chu cho rằng: Cấp phép thủy điện nhỏ là hợp thức phá rừng; thủy điện phá rừng tự nhiên, thậm chí ngay cả rừng trong khu bảo tồn cũng bị tàn phá…

Vậy nhưng TS.Nguyễn Ngọc Chu không đưa ra được các số liệu cụ thể mà chỉ lấy ví dụ chung chung như những dự án thủy điện có hồ chứa lớn đa mục tiêu, được Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng từ nhiều thập kỷ trước như Hòa Bình, Sơn La… Đây là những dự án có tầm chiến lược quan trọng đối với an ninh năng lượng, chống lũ, cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt nên không thể so sánh mức độ ảnh hưởng của nó với những dự án thủy điện nhỏ hiện đang được đầu tư trong những năm gần đây. Ý kiến nêu trên đã gây hiểu lầm trong dư luận về phát biểu của Bộ Công Thương là trong thời gian vừa qua không bổ sung bất cứ dự án thủy điện nhỏ nào có chiếm đất rừng tự nhiên.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn toàn có dẫn chứng bằng những con số cụ thể chứ không hề bao biện khi nêu vấn đề: Điều đó hoàn toàn có căn cứ và tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí thư về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với các dự án thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải, để thực hiện một cách đồng bộ công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện, ngày 27/12/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43/2012/TT-BCT tăng cường quản lý quy hoạch thủy điện, giảm tối đa diện tích chiếm đất, ảnh hưởng đến dân cư và các công trình hạ tầng trong khu vực dự án.Theo đó, ngoài các quy định mà dự án phải đảm bảo khả thi về kinh tế – kỹ thuật, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng đến hạ tầng cơ sở và môi trường – xã hội trong khu vực thì một trong những tiêu chí quan trọng khác được đưa ra để làm cơ sở xem xét đối với dự án thủy điện là phải đảm bảo không chiếm quá 10 ha đất các loại trên 1 MW và không phải di dân quá 1 hộ trên 1 MW.

Tiếp đến ngày 18/2/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Kế hoạch hành động thực hiện nêu trên của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương tại Quyết định số 2046/QĐ-BCT ngày 10/3/2014 nhằm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể, thường xuyên, liên tục và có hiệu quả các Nghị quyết nêu trên của Quốc hội và Chính phủ…

Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên (Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ).

Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/7/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ cấp cơ sở về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.

Như vậy, có thể nói công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt và giao nhiệm vụ cụ thể từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Đối với phát triển thủy điện, Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước một cách nghiêm túc, đặc biệt là chỉ đạo các địa phương rà soát, xem xét kỹ lưỡng diện tích chiếm đất rừng tự nhiên của các dự án thủy điện, kiên quyết không xem xét đưa vào quy hoạch bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm đất rừng tự nhiên theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư.

Với những chỉ đạo quyết liệt trên, luận điểm như TS.Nguyễn Ngọc Chu thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng: “Không dự án thủy điện nào mà không lấn chiếm diện tích rừng, từ vài trăm ha cho đến hàng chục ngàn ha. Từ đó để thấy đã có hàng triệu ha rừng bị hy sinh cho thuỷ điện” hoàn toàn không có căn cứ, khi không có báo cáo chính xác hay số liệu cụ thể.

Bộ Công Thương cũng thông tin thêm về số liệu, thống kê cho thấy các hồ chứa và nhà máy thủy điện trên địa bàn cả nước từ thập kỷ 70 thế kỷ trước đến nay cho thấy, tổng diện tích chiếm đất các loại là 285.900 ha (bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, đất sông suối…), bình quân chiếm khoảng 14,5 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW (không có thống kê đầy đủ về đất rừng): Giai đoạn trước năm 2010 chiếm diện tích đất các loại bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, đất sông suối… là 244.800 ha; giai đoạn từ năm 2010 đến nay chiếm diện tích đất các loại bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, sông suối… là 41.100 ha.

Trong giai đoạn trước năm 2010, chủ yếu các công trình thủy điện có quy mô lớn đã được xây dựng; giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2013, hầu hết các công trình thủy điện có quy mô vừa và lớn cũng đã được nghiên cứu, đầu tư xây dựng. Như vậy, tính đến hết năm 2013, tiềm năng các công trình thủy điện vừa và lớn trên địa bàn cả nước đã được nghiên cứu, đầu tư xây dựng và đi vào vận hành khai thác. Đây là những công trình thủy điện đa mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu cao về năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, tuy nhiên cũng chiếm dụng rất lớn đất các loại kể cả đất sông suối (giai đoạn đến hết năm 2013 là 276.200 ha). “Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ bình quân chỉ chiếm dưới 1,9 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW công suất”- Báo cáo Bộ Công Thương nêu rõ.

Phối hợp tốt trong công tác trồng bù rừng

Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các Nghị định, Thông tư quy định, khi chiếm đất rừng phải trồng bù rừng thay thế. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm tháng 9 năm 2019, tổng diện tích phải chuyển đổi và trồng bù rừng thay thế tại các nhà máy thủy điện sau khi rà soát trên địa bàn cả nước là 30.305 ha.

Chính vì vậy diện tích chiếm đất bình quân cho 01 MW công suất các dự án thủy điện nhỏ đã giảm đáng kể so với trước đây từ 5-7 ha/01MW và hiện nay bình quân chỉ chiếm dưới 1,9 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW, trong đó, diện tích chiếm đất rừng trồng, rừng sản xuất so với tổng diện tích chiếm đất các loại kể cả đất sông suối khoảng 4,35 %. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

Ngoài ra, công tác trồng bù rừng trong thời gian vừa qua đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương thống nhất chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt và đã đạt kết quả cao. Công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện (DATĐ) trên địa bàn cả nước đã trồng bù được 33.735 ha rừng, đạt 111,3% so với diện tích phải trồng (30.305 ha), một số tỉnh trồng vượt diện tích phải trồng như Lai Châu vượt, Thanh Hóa, Nghệ An… Qua các đợt kiểm tra và làm việc với UBND các tỉnh, nhận thấy hầu hết Chủ đầu tư DATĐ hiện nay đều đã nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm công tác trồng bù rừng thay thế đúng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đối với các Chủ đầu tư DATĐ không thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế theo quy định, Bộ Công Thương sẽ xem xét để thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực theo đúng chủ trương tại NQ11 của Chính phủ.

Công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo thống kê của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2019, cả nước đã thu được 1.880,9 tỷ đồng đạt 58,77% kế hoạch thu năm 2019 và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu từ các nhà máy thủy điện là 1.806,6 tỷ đồng, chiếm 96,05% tổng thu cả nước.

Có thể nhận thất, diện tích đã trồng bù rừng thay thế và việc chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các công trình thủy điện đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn. Số tiền chi trả cho các chủ rừng để tổ chức quản lý bảo vệ rừng năm 2018 (khoảng 6,3 triệu ha) chiếm khoảng 43% tổng diện tích rừng của toàn quốc. Mặt khác, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Cụ thể hiện nay có khoảng hơn 500 ngàn hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả DVMTR qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán, nguồn thu từ DVMTR bình quân cả nước khoảng hơn 2 triệu đồng/hộ/năm, đã góp phần nâng cao thu nhập giúp giảm khó khăn trong đời sống cho đồng bào, đây là nguồn thu quan trọng cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, rừng trồng còn có một số nhược điểm như thảm phủ thực vật chưa bằng rừng tự nhiên hiện có.

Cần khẳng định rằng, Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền của Chính phủ liên tục có các báo cáo kết quả và đã được Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp Quốc hội.

Báo Công thương