Chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm năng lượng truyền thống – năng lượng hoá thạch. Nguồn năng lượng này đựoc tạo ra từ việc sử dụng nguồn nhiên liệu sẵn có trong thiên nhiên như than đá, dầu mõ… Trong tình hình tài nguyên thế giới đang cạn kiệt, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, sự ô nhiễm môi trường do phát thải khí nhà kính đã chọc thủng tầng ôzôn bảo vệ trái đất, gây biến đổi khí hậu làm cho thiên tai xảy ra liên tiếp trên toàn cầu. Trong tiến trình phát triển, các quốc gia luôn đặt vấn đề an toàn năng lượng lên hàng đầu. Vì vậy việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: phong điện, năng lượng mặt trời, điện thuỷ triều, thuỷ điện… để thay thế dần nguồn nhiên liệu hoá thạch là một xu hướng tất yếu.

Có thể lược qua các dạng năng lượng tái tạo này như sau:
Phong điện: Điện năng được tạo thành nhờ năng lượng gió gọi là phong điện. Tổ hợp máy để biến năng lượng gió thành điện năng gọi là máy phát điện bằng sức gió hoặc là tuabine gió. Các tuabine gió có công suất từ 1 KW đến hàng nghìn  KW. Phổ biến hiệu nay là loại tuabine có công suất từ 1500KW đến 2500 KW. Các tuabine gió nối lại với nhau tạo thành các trạm phong điện. Các trạm phong điện có thể hoạt động độc lập hoặc nối với lưới điện quốc gia. Các trạm phong điện có thể phát điện khi tốc độ gió từ 3 m/s (11km/h) đến 20 m/s (72 km/h). Hiện nay ở nước ta, tiềm năng công suất lắp đặt thương mại của dạng năng lượng này khoảng 100.000 MW.
– Thuỷ điện: Do cấu trúc địa lý, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đẫn đầu về tiềm năng thuỷ điện. Hiện nay cả nước có trên 120.000 trạm thuỷ điện với tổng công suất ước tính khoảng 20.000 MW. Công suất nhà máy thuỷ điện phụ thuộc chính vào 2 yếu tố: Diện tích lưu vực và chiều cao cột nước.
– Địa nhiệt: Cả nước có khoảng 200 nguồn suối nước nóng, nhiệt độ từ 40-150 0C. Đây là nguồn địa nhiệt lý tưởng để xây dựng các trạm phát điện. Tiềm năng điện địa nhiệt trong tương lai có thể khai thác khoảng 260-340 MW.
– Năng lượng mặt trời: Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nắng trung bình 2.000-2.500 giờ/năm, mức độ bức xạ từ 3-4,5 KWh/m2/ngày (mùa đông); từ 4-6,5 KWh/m2/ngày (mùa hè). Tổng tiềm năng điện mặt trời có thể khai thác đạt 6-10 MW/ngày.
– Năng lượng sinh khối: Hệ thống biogas ở các nhà máy chế biến nông sản (sắn, cà phê,…) và ở các hộ gia đình ở nông thôn sử dụng để nấu nướng, thắp sáng, cấp khí gas cho các lò sấy… là khá lớn. Tiềm năng công suất khoảng  250-400 MW.
– Năng lượng thuỷ triều: là lượng điện thu được từ năng lượng chứa trong khối nước chuyển động do thuỷ triều, lúc thuỷ triều thấp: chu trình nạp; lúc thuỷ triều lên: chu trình nén; lúc thuỷ triều xuống thấp chu trình xã kết thúc và nạp cho chu trình tiếp theo.
Sự thay đổi chiều cao cột nước làm quay tuabine tạo ra điện năng. Mỗi máy limpet có thể đạt 250 KW đến 500 KW. Tuy nhiên các con sóng quá phân tán nên rất khó khai thác một cách kinh tế.
Theo đại diện của Công ty KVVENTI – Nhà phát triển những tổ hợp năng lượng gió uy tín tại Châu Âu và đang có dự án nghiên cứu tại Việt Nam – Ông David Jozefy, thì “những tiềm năng mà Việt Nam hiện có đối với những người trong nghề như chúng tôi là điều mơ ước” và cũng theo đánh giá của Ông Roman Ritter – một chuyên gia về năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể đảm bảo 100% điện từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Văn Huấn – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ tiềm năng đến ứng dụng là cả một quá trình, mà nếu không có sự đầu tư thích hợp thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng. Hiệu quả của việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo thì ai cũng dễ dàng nhận thấy:
– Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch vì nó thân thiện với môi trường, không tạo ra phát thải  khí nhà kính (1).
– Nguồn năng lượng tái tạo đó là nguồn tài nguyên gần như vô hạn như nắng, gió, thuỷ triều…
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm rất cơ bản trên, năng lượng tái tạo còn có hạn chế, đó là: Nguồn năng lượng tái tạo luôn bị lệ thuộc vào thời tiết, ánh nắng hoặc lượng mưa, lượng gió để hoạt động. Vấn đề nữa là chúng ta không thể thu trực tiếp nguồn năng lượng “gián tiếp” này mà cần phải có những trang thiết bị tương đối đắt tiền (quang điện, tuabine, cột gió…), vì vậy suất đầu tư cho 1 KW điện cao hơn nhiều so với nguồn năng lượng truyền thống.
Như trên đã nêu, năng lượng tái tạo là năng lượng được sản xuất từ các nguồn như thuỷ điện nhỏ, gió, mặt trời, địa nhiệt, thuỷ triều, sinh khối, khí của các nhà máy xử lý rác thải… Do tính ưu việt của nguồn năng lượng sạch này và để thực hiện luật Bảo vệ môi trường và cam kết thực hiện Nghị định Thư KYOTO, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 “Về một số cơ chế tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Theo đó nhà nước khuyến khích khai thác, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cũng như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực khác có mang lại kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đều được quyền đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng dự án CDM tại Việt Nam đi kèm với việc được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng đầu tư của nhà nước,  sản phẩm CMD được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, được bán “chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận” (CERs) (2)
Quảng Trị chúng ta có nhiều tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo:
Chúng ta có bờ biển dài 75km đầy nắng gió và sóng biển, có nhiều sông suối, mỏ nước khoáng có nhiệt độ cao. Vì vậy chúng ta có điều kiện để phát triển: phong điện, thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện thuỷ triều…
Những năm qua, Sở Công Thương Quảng Trị đã mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh khai thác nguồn năng lượng này. Đến nay chúng ta đã sử dụng điện mặt trời và kết hợp với phong điện (tuabine 1,5 KW) ở đảo Cồn Cỏ. Tháng 7/2008 UBND tỉnh đã cho phép Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng – kinh doanh đô thị (UBI) đầu tư Dự án điện gió tại Quảng Trị. Đến nay UBI đã tiến hành lắp dựng 5 bộ thiết bị quan trắc tại 3 huyện Triệu Phong, Hướng Hoá, Hải Lăng. Sau hơn một năm quan trắc kết quả rất khả quan. Đặc biệt khu vực Hướng Linh, vận tốc gió trung bình ở 3 độ cao 40m, 50m, 60m ứng 6,28 m/s; 6,91 m/s; 7 m/s là rất khả thi cho việc triển khai dự án. Đầu năm 2010, UBND tỉnh cũng đã đồng ý về chủ trương cho Công ty Cổ phần Phong Thuỷ nhiệt điện (SVA) nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy điện địa nhiệt tại ĐaKrông Quảng Trị, công suất 25 MW. Các dự án thuỷ điện nhỏ ở Quảng Trị cũng đã được quy hoạch và triển khai tương đối bài bản và hiệu quả.
Để khai thác hết nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo ở Quảng Trị, các cơ quan hữu quan cần xây dựng qui hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Trước mắt cần quy hoạch phong điện, điện địa nhiệt, và dạng năng lượng khác (điện mặt trời, điện thuỷ triều…) để tiến hành kêu gọi đầu tư khi có điều kiện./.

  1. Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ, FPA nhấn mạnh rằng: “các nhà máy điện sử dụng năng lượng nhiên liệu hoá thạch phải chịu trách nhiệm 67% Sulfur điôxit, 23% lượng khí thải nitơ ôxít và 40% khí thải cacbon điôxít do con người tạo ra”.
  2. CERlà các giảm phát khí thải được chứng nhận do BCH quốc tế về CDM cấp cho dự án CDM, 1 CER được  xác định bằng 1 tấn khí CO2  tương đương.

Thái Vĩnh Kháng – Nguyên Giám đốc Sở Công Thương


 

 

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị