Xu thế phát triển năng lượng điện gió đang trở thành trào lưu của nhiều quốc gia trên thế giới nhất là các nước phát triển và những nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng… Kinh nghiệm thực tiễn của Đức, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ là bài học cho phát triển điện gió ở Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

CHLB Đức: Chính sách linh hoạt, mềm dẻo

Từ lâu CHLB Đức đã nổi tiếng là nước công nghiệp hàng đầu thế giới chủ trương phát triển mạnh năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió. Vì vậy, từ năm 1991, nước Đức đã có mức giá ưu đãi đối với năng lượng gió.

Đến năm 2000, Luật Năng lượng tái tạo của Đức (EEG) bắt đầu có hiệu lực, quy định cụ thể mức giá ưu đãi đối với mỗi kW điện gió. Chính sách này đã tác động tích cực tới việc phát triển năng lượng gió của Đức. Chỉ trong vòng 10 năm (2001 – 2010) tổng công suất lắp đặt tăng từ 8.754 MW (năm 2001) lên 27.214 MW (năm 2010), chiếm 25% công suất điện gió thế giới và đứng thứ hai sau nước Mỹ. Từ khi ra đời cho đến nay, EEG cũng thường xuyên điều chỉnh mức giá ưu đãi cho phù hợp với tình hình thị trường và xu hướng phát triển công nghệ mới.

Luật Xây dựng của CHLB Đức cũng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển điện gió. Theo đó, các nhà máy năng lượng gió được xếp vào danh mục “các dự án đặc quyền”, được yêu cầu có cơ chế ưu tiên cụ thể.

Trong chiến lược mới về phát triển năng lượng, điện gió được xem là “con át chủ bài”, cứu cánh số một cho nền công nghiệp điện nước Đức trong tương lai khi không có điện hạt nhân. Khả năng công nghệ và năng lực sản xuất điện gió của Đức thuộc loại hàng đầu thế giới, có thể cung cấp thiết bị cho nhiều nước, trong đó có Việt nam. Riêng năm 2008 doanh thu từ xuất khẩu thiết bị điện gió của Đức đã đạt 12 tỷ Euro. Theo Hiệp hội Năng lượng gió Đức (BWE), nước này có thể lưu trữ 45.000 MW trên bờ và 10.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2020, tạo ra khoảng 150 TWh/năm, cung cấp khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ của Đức.

Trung Quốc: Nội địa hóa các nhà máy sản xuất tuabin gió

Là một trong những quốc gia có nhu cầu sử dụng điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc sớm nhận ra nguy cơ bị cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Vì vậy, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 1986, nhà máy điện gió đầu tiên được xây dựng tại Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, năng lượng gió trên thế giới vẫn chưa phát triển, việc phải nhập khẩu các tuabin gió với giá thành cao đã gây khó khăn cho quá trình đầu tư. Vì vậy, năm 1994, Trung Quốc đã đưa ra định hướng phát triển điện gió bằng việc nội địa hóa các nhà máy sản xuất tuabin.

Thời gian đầu, Trung Quốc mời gọi đầu tư nước ngoài và thành lập các công ty liên doanh. Tuy nhiên, đến năm 1998, Công ty sản xuất thiết bị điện gió đầu tiên 100% vốn trong nước đã ra đời. Đó là Công ty Goldwind ở tỉnh Tân Cương, với 55% vốn của Nhà nước. Nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đến năm 2006, Goldwind đã chiếm 35% thị phần thiết bị điện gió của Trung Quốc; chủ yếu sản xuất loại tua bin có công suất dưới 1 MW, phù hợp cho các nhà máy điện gió độc lập, cung cấp năng lượng cho các vùng sâu, vùng xa.

Để khuyến khích các dự án điện gió có quy mô lớn, kết nối vào mạng điện quốc gia, chính phủ Trung Quốc còn miễn toàn bộ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phần thiết bị và linh kiện nhập khẩu. (Trước đó, thuế VAT đối với điện gió đã giảm từ 17% xuống 8,5% vào năm 2001, từ năm 2004 thuế nhập khẩu được cố định ở mức 8% cho tuabin phát điện và 3% cho linh kiện, phụ tùng, song các thuế suất này sẽ được miễn hoàn toàn nếu tuabin và linh kiện được chủ đầu tư nhập khẩu để xây dựng dự án điện gió).

Với những chính sách linh hoạt và mềm dẻo đó, thị trường điện gió ở Trung Quốc được hình thành và ngày càng phát triển. Đến cuối năm 2004, Trung Quốc đã có 43 khu điện gió với tổng công suất là 850 MW. Năm 2005 Trung Quốc có 59 nhà máy điện gió, lắp đặt 1.854 tua bin với tổng công suất 1.266 MW, đứng thứ 10 trên thế giới.

Đến cuối năm 2008, công suất điện gió của Trung Quốc đã là 12.200 MW, tương đương 2/3 công suất của đại công trình thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (18.200 MW). Đến năm 2010, công suất điện gió của Trung Quốc là 25.100 MW, xếp thứ tư thế giới, sau Mỹ, Đức và Tây Ban Nha. Thủ tướng Trung Quốc – Ôn Gia Bảo từng tuyên bố, từ nay đến năm 2020, mức phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 40 – 45% so với mức năm 2005. Cơ sở để Trung Quốc thực hiện cam kết đó chính là sự phát triển mạnh và bền vững của các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điện gió là chủ yếu.

Ấn Độ: Khuyến khích đầu tư tư nhân

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ là một trong hai nước đang phát triển nằm trong top 10 nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió. Khởi đầu cho thành công này là năm 1980, khi Cơ quan Nguồn năng lượng (sau chuyển thành Bộ Năng lượng) Ấn Độ được thành lập nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. Cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu, xác định, triển khai các dự án điện gió và đưa vào khai thác.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các dự án điện gió. Ngay sau đó, một loạt các công ty công nghiệp và thương mại, trong đó 97% là công ty tư nhân đã tiến hành đầu tư, tự sản xuất các thiết bị phát điện, thậm chí còn phục vụ xuất khẩu. 

Nếu như năm 2000, Ấn Độ mới chỉ có 1.220 MW điện gió, thì sau 5 năm, công suất điện gió của Ấn Độ đã tăng lên 3 lần, đạt mức 3.595 MW. Chỉ tính riêng trong năm 2004, Ấn Độ đã lắp đặt được tuabin điện gió mới với tổng công suất 1.112 MW, đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất, sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ.

Điều đó cho thấy, với chính sách khuyến khích phù hợp cùng với những kết quả nghiên cứu kỹ thuật chi tiết và định hướng phát triển rõ ràng, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư và phát triển thị trường điện gió một cách tương đối hiệu quả mà không cần sự can thiệp và đầu tư lớn của Nhà nước.

Nhà nước Ấn Độ cũng đang nghiên cứu để tạo cơ sở và hành lang pháp lý cũng như có những biện pháp kiểm tra, giám sát cần thiết đảm bảo đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội. Trong tương lai, khi các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ dần cạn kiệt, ngành Công nghiệp điện gió sẽ tiếp tục đóng góp ngày một lớn và toàn diện đối với đời sống kinh tế – xã hội của Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Một số hãng phát triển điện gió và cung cấp tua bin có tên tuổi trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam:  GE, Gamesa, Nordex, Vestas…

Một số tổ chức tài chính đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho phát triển điện gió tại Việt Nam:

* Ngân hàng Thế giới (WB): Cung cấp khoản tín dụng khoảng 201,2 triệu USD cho dự án “Phát triển năng lượng tái tạo” từ năm 2009 -2014.

* Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Dự kiến thời gian tới sẽ dành khoảng 2 triệu USD hỗ trợ phát triển điện gió cho các nước: Việt Nam, Mông Cổ, Philippin và Sri-lan-ca.

* Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW): Có thể hỗ trợ 1 số dự án điện gió cho EVN với mức tín dụng khoảng 35 triệu USD.

* Qũy Dragon  Capital: Sẽ đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng sạch, trong đó có điện  gió, với tổng suất tín dụng khoảng 7 triệu USD…