Bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân dùng phương tiện tự chế thô sơ lưu thông trên lòng hồ thủy điện A Vương. Hiện các cấp ngành liên quan đang triển khai các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này.

20160518-giaothongho1
Nhiều phương tiện tự chế “án binh” chờ lưu thông trong lòng hồ A Vương.

Nguy cơ xảy ra tai nạn

Mỗi ngày, anh Bríu Nào (trú thôn Zơ Lao, xã Dang, Tây Giang) đều điều khiển chiếc thuyền độc mộc trong lòng hồ thủy điện A Vương để chở đồng bào qua bên bờ xã Mà Cooih (Đông Giang). Trên thuyền thường có một số cán bộ trong vùng và giáo viên đang công tác tại điểm trường thôn Zơ Lao, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang. Anh Nào sắm thuyền để thuận lợi cho việc qua lại trên lòng hồ, tiện thể chở luôn khi người dân có nhu cầu. Giáo viên thì được miễn phí, còn người dân khác anh thu chỉ 10 nghìn đồng/lượt, đủ dùng trang trải chi phí. Anh thừa nhận phương tiện như thế này thiếu an toàn vì thô sơ, chưa đăng ký, đăng kiểm, bản thân chỉ là “tay ngang” lái đò, phao cứu sinh hay áo phao cũng thiếu thốn. “Đò tròng trành gặp gió to nên đã bị lật vài lần, may mà chưa có ai bị hề hấn gì” – anh Nào kể. Dù đi đường thủy nguy hiểm nhưng đây là cách thuận tiện nhất bởi con đường bộ độc đạo từ trung tâm xã Dang đến Zơ Lao bị sạt lở nặng do mưa bão từ vài ba năm trước, chia cắt 41 hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn. Vì đi bộ quá khó khăn và tiêu tốn rất nhiều thời gian, người dân đành dựng lên 2 căn lều bằng gỗ bên bờ Ma Cooih để đem xe máy vào cất, khóa lại cẩn thận rồi xuống thuyền do anh Bríu Nào điều khiển qua lại làm rẫy, công tác, giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Trâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, qua kiểm tra hồ chứa thủy điện A Vương cho thấy, một số cư dân còn sử dụng phương tiện tự chế như ghe bằng tôn, vật dụng thô sơ kết thành bè… đi lại trên hồ. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trong lòng hồ, gây mất an toàn các hạng mục của nhà máy. Một cán bộ của công ty cho biết thêm, người dân còn liều lĩnh vào cận cửa nhận nước công trình thủy điện đánh bắt cá, rất dễ bị hút vào bên trong. Nhằm tránh các trường hợp bị lật ghe gây đuối nước, điển hình là vụ việc đáng tiếc xảy ra khiến 2 người tử vong tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ngày 14.4 vừa qua, Công ty CP Thủy điện A Vương đã có văn bản cầu cứu gửi đến Công an tỉnh, các huyện Đông Giang, Tây Giang… Đơn vị đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhân dân không lưu thông trái phép trong lòng hồ thủy điện A Vương. Do không có chức năng xử lý, công ty kiến nghị lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét đối với người hoạt động sai luật, hướng dẫn họ thực hiện nghiêm quy định để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Rà soát, xử lý kiên quyết

Tại cuộc làm việc giữa Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, Ban ATGT huyện và Công an Đông Giang với đại diện Công ty CP Thủy điện A Vương mới đây, các bên bàn thảo các giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh thực trạng nêu trên. Được biết, lâu nay nhà máy thủy điện đã thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, Đồn công an A Vương, xã Ma Cooih kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật. Địa phương đã mời các gia đình có sử dụng phương tiện đến để quán triệt, ký cam kết không vi phạm, nhiều hộ bị thu hồi ghe…, nhưng rồi “khổ nhục kế” năn nỉ xin lại vì nó phục vụ sinh kế cho chính đồng bào nên tình trạng này cứ tái diễn. Tại buổi làm việc, Đại tá Thông Nỳ – Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang yêu cầu Đồn công an A Vương phối hợp cùng nhà máy thủy điện rà soát, lập danh sách toàn bộ đối tượng liên quan để có hướng xử lý. Công an huyện sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang tham mưu UBND huyện sớm ban hành văn bản yêu cầu các xã, thị trấn có biện pháp chấn chỉnh. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh – ông Trương Khuê đề nghị, địa phương sau khi rà soát nếu ghe, thuyền nào bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm thì phải hướng dẫn cho người dân chấp hành ngay chứ không nên “rề rà”.

20160518-giaothongho2
Căn lều để xe tại xã Ma Cooih của những người dân qua thôn Zơ Lao. Ảnh: CÔNG TÚ

Theo Thượng tá Lê Đình Xê – Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cần xác định cho rõ trường hợp nào không thể cấm thì phải tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đảm bảo các thủ tục cần thiết theo quy định. Ban ATGT tỉnh khẩn trương có văn  bản chỉ đạo Ban ATGT các huyện Tây Giang, Đông Giang triển khai ngay các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trong lòng hồ thủy điện A Vương, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Trường hợp tuyến đường bộ từ trung tâm xã Dang về thôn Zơ Lao, điểm trường bán trú xã Dang còn lưu thông được, địa phương phải vận động người dân, cán bộ, giáo viên cố gắng khắc phục khó khăn để đi bộ. Nếu không thể, chính quyền nên đứng ra làm thủ tục xin mở bến, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cho người đi học lái thuyền để có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ.

Trao đổi qua điện thoại, thầy giáo Nguyễn Thanh Triều – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang đề xuất, để giải quyết căn cơ vấn đề đi lại của người dân, học sinh thôn Zơ Lao, các cấp, các ngành liên quan cần khảo sát, sớm khắc phục, sửa chữa tuyến đường bộ đang hư hỏng hiện nay. Nếu đi đò trong lòng hồ, gặp gió lốc vào mùa hè cũng sẽ rất nguy hiểm, chưa kể thời điểm mưa bão không lưu thông được.

Nghiêm cấm các phương tiện không phép hoạt động trong các lòng hồ thủy điện

Ngày 2.2.2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ, nghiêm cấm việc sử dụng ghe, thuyền, các phương tiện vận tải đường thủy khác hoạt động trong các lòng hồ thủy điện khi chưa có đăng ký, đăng kiểm và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. UBND các huyện, thành phố kiểm tra trường hợp chưa có đăng ký, đăng kiểm thì yêu cầu dừng hoạt động, nếu vi phạm thì tịch thu. Chỉ đạo chính quyền địa phương (cấp xã) và các cơ quan, hội đoàn thể phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân không được sử dụng các loại phương tiện như ghe, thuyền máy, bích xi để lưu thông trong lòng hồ với bất kỳ mục đích gì nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân…

Ông Trương Khuê thông tin, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My về việc đảm bảo ATGT của các phương tiện thủy hoạt động tại các lòng hồ thủy điện. Ban ATGT tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra, Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam phối hợp với lực lượng CSGT trong công tác kiểm soát, thực hiện thủ tục ngừng hoạt động phương tiện hết niên hạn sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Công an tỉnh chỉ đạo CSGT đường thủy chủ trì, phối hợp với Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại chỗ cho người dân. Ban ATGT các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định của pháp luật…

Theo Báo Quảng Nam