Đặc thù ngành điện khác với các ngành sản xuất hàng hóa khác ở chỗ: quá trình sản xuất và tiêu thụ xảy ra đồng thời, không thể có ách tắc trong khâu lưu thông, phân phối. Vì vậy, người sản xuất và người tiêu thụ điện đều có trách nhiệm bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả thiết bị của chính mình và của cả ngành điện. Kết quả đạt được là người tiêu thụ điện sẽ có chi phí dùng điện thấp tương ứng và người sản xuất điện sẽ có chi phí đầu tư và sản xuất điện hợp lý. Những vấn đề trên sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả trong cuộc sống nếu thiết lập được cơ chế điều hành và tổ chức hợp lý không những đối với người tiêu thụ điện mà còn cho người sản xuất truyền tải và phân phối điện. Điều này cũng chính là mục tiêu cơ bản cần tuân thủ trong cải cách thị trường điện ở Việt Nam hiện nay.

TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện Khoa học Năng lượng

Hình 1 Mô hình công ty điện lực độc quyền liên kết dọc truyền thống

Nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học năng lượng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập trung phân tích, đánh giá các mô hình thị trường điện hiện đang tồn tại ở các nước, nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho việc thiết lập cơ chế điều hành và tổ chức hợp lý quá trình cải cách thị trường điện ở Việt Nam.

Ở các nước Tây Âu, Mỹ và các nước khác, với nền kinh tế thị trường, không thể tránh khỏi việc tổ chức thị trường trong ngành điện. Vào cuối thế kỷ XX, thị trường điện được phân chia thành 4 mô hình cơ bản và được các nước sử dụng dưới dạng này hoặc dạng khác: Mô hình 1, độc quyền điều tiết tự nhiên (không có cạnh tranh); Mô hình 2, hãng mua điện độc quyền; Mô hình 3, cạnh tranh trên thị trường bán buôn và Mô hình 4, thị trường cạnh tranh cả bán buôn và bán lẻ.

Đối với mô hình 1, Độc quyền điều tiết (không có cạnh tranh): những công ty độc quyền tự nhiên phân cấp theo ngành dọc, chiếm lĩnh toàn bộ lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng. Nhà nước điều khiển những công ty này để họ không lợi dụng được thế độc quyền của mình. Sự phát triển của hệ thống điện (HTĐ) được đảm bảo nhờ việc đưa thành phần vốn đầu tư vào giá đối với hộ tiêu thụ. Giá điện được xác lập theo mức chi phí sản xuất điện trung bình của HTĐ cộng với một thành phần vốn đầu tư mới trong giá thành. Mô hình này được áp dụng ở nước ta cho đến cuối thập niên đầu của thế kỷ này.

Trong mô hình 2, Hãng mua điện độc quyền: các nhà sản xuất điện độc lập về tài chính cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp điện năng cho một hãng mua duy nhất. Các lĩnh vực còn lại của HTĐ được giữ nguyên cơ cấu phân ngành theo chiều dọc và đối với người tiêu thụ nó được giữ độc quyền như trước… Hoạt động của Hãng mua điện (kể cả việc quyết định giá điện mua của nhà sản xuất và bán cho hộ tiêu thụ) được điều tiết bởi Nhà nước. Mô hình này sẽ hiện thực hóa hiệu quả cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện năng. Khi có sự điều tiết đúng của nhà nước, giá điện cho các hộ tiêu dùng sẽ thấp hơn so với điều tiết độc quyền. Đây chính là ưu thế cơ bản của mô hình này so với mô hình trên.

Ở mô hình 3, Cạnh tranh trên thị trường bán buôn: lĩnh vực phân phối và tiêu thụ điện năng được chia theo vùng với sự thành lập một số công ty phân phối – tiêu thụ điện, độc quyền cung cấp điện cho tất cả các hộ tiêu dùng trong lãnh thổ của mình.

Thị trường bán buôn điện được tổ chức với một Nhà điều hành hệ thống thương mại, trong đó, các nhà sản xuất và nhà phân phối – tiêu thụ điện cạnh tranh với nhau, và như vậy sẽ chấm dứt tình trạng điều tiết giá bán buôn. Đồng thời, cũng thành lập Nhà điều độ hệ thống độc lập thực thi nhiệm vụ điều độ vận hành HTĐ. Mô hình này vận hành khá phức tạp do có hai nhà điều hành hệ thống điện, một nhà điều hành thương mại và một nhà điều độ kỹ thuật hệ thống điện. Trong quá trình hoạt động dễ gặp rủi ro gây mất ổn định và độ tin cậy cung cấp điện. Hơn nữa việc thêm 1 nhà điều hành hệ thống thương mại sẽ có thể làm tăng thêm giá bán điện.

Mô hình 4, Thị trường cạnh tranh cả bán buôn và bán lẻ: lĩnh vực phân phối và tiêu thụ điện năng được chia tách thêm với sự hình thành những công ty điều tiết lưới phân phối (theo vùng lãnh thổ) và nhiều công ty bán lẻ điện. Thị trường bán lẻ điện được tổ chức, trong đó các công ty bán lẻ điện (mua điện trên thị trường bán buôn) cạnh tranh với nhau. Chấm dứt việc điều tiết giá bán lẻ.

Cần nhấn mạnh rằng, tất cả các mô hình nêu trên đều là mô hình thị trường, hai mô hình 1 và 2 là mô hình thị trường điều tiết giá (thị trường điều tiết) mặc dù thị trường một hãng mua điện duy nhất có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện. Cả 4 mô hình nêu trên đều được các nước trên thế giới sử dụng dưới dạng này hoặc dạng khác.

Ví dụ: Thị trường điều tiết độc quyền ở Nhật, Pháp và đa số các bang của Mỹ; Thị trường một hãng mua điện duy nhất – ở Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Bắc Ái Nhĩ Lan, Mê Hi Cô; Thị trường cạnh tranh ở Anh, Áo, một số bang của Mỹ (và đã tồn tại ở một số nước như: Chi Lê, Braxin, Achentina, song sau khủng khoảng và thất bại đã quay lại thị trường điều tiết).

Nhìn vào kinh nghiệm thực tế cải cách ngành điện ở các nước trên thế giới, có thể nhận thấy, việc cải cách ngành điện chỉ nên giới hạn đến mô hình 2 – Hãng mua điện độc quyền duy nhất với việc giữ quyền điều tiết giá điện của Chính phủ. Giá điện được hình thành trên cơ sở chi phí sản xuất trung bình toàn hệ thống và đảm bảo sự phát triển hợp lý, kịp thời của hệ thống điện cũng như độ tin cậy cung cấp điện.

Các Nhà đầu tư sản xuất điện sẽ cạnh tranh với nhau trong việc giảm giá thành sản xuất điện, đầu tư tăng cường hoạt động KHCN, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất để nhận được phần lợi nhuận tối đa và hợp lý nhất khi biết lộ trình điều tiết giá điện của Nhà nước. Đây chính là mô hình được triển khai thành công ở Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Ấn Độ và nhiều nước khác. Ở Việt Nam mô hình này cũng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất không chỉ cho nhà đầu tư sản xuất điện năng mà còn cho toàn bộ nền kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cao nhất nhờ việc Chính phủ giữ quyền điều tiết giá điện.

Những năm gần đây đã phát hiện những khó khăn và tồn tại nghiêm trọng trong ngành điện của các nước, hoặc vùng lãnh thổ đã chuyển đổi sang mô hình cạnh tranh tự do (mô hình 3 và 4). Ở Kalifonia, Brazil, Ontanio, Achentina, Chilê đã xảy ra khủng khoảng, kéo theo sự thiếu điện trầm trọng và tăng giá điện rất mạnh, cắt điện hàng loạt, sự cố… Sau đợt khủng hoảng, các nước hoặc vùng lãnh thổ đã chuyển đổi sang mô hình cạnh tranh tự do phải quay trở lại mô hình điều tiết của Chính phủ (mô hình 1 và 2). Việt Nam cần sớm rút kinh nghiệm để không lặp lại bước đi của các nước trên.

Điều quan trọng và đáng chú ý nhất là việc chuyển từ thị trường điều tiết sang thị trường cạnh tranh (từ mô hình 1 và 2 sang mô hình 3 và 4) sẽ chỉ mang lại hiệu quả cho những nhà sản xuất điện, việc phi điều tiết hóa được tiến hành vì mục tiêu của chính họ. Những hộ tiêu dùng điện (các ngành kinh tế khác và toàn bộ nhân dân) sẽ phải hứng chịu thiệt hại do việc tăng giá, thiếu hụt điện và sự cố.

Tại Việt Nam, nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế trong nước và đối tác nước ngoài tham gia phát triển điện lực, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thị trường điện, với các trọng tâm là: cải cách cơ chế xác định giá cả trên thị trường điện, mở cửa hơn nữa thị trường điện để giới đầu tư tư nhân và quốc tế tham gia cả vào hoạt động sản xuất và bán điện, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất và cung ứng điện thông qua việc tạo cơ chế và môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực năng lượng nói chung và điện nói riêng.

Theo đó, lộ trình cải cách thị trường điện Việt Nam do Bộ Công Thương đề xuất gồm 4 giai đoạn: đến năm 2010 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân (IPP) tham gia sản xuất điện để bán điện cho EVN; 2010 – 2014 tự do hoá một phần thị trường bán buôn điện; 2014 – 2022 tự do hoá hoàn toàn thị trường bán buôn và sau 2022 tự do hoá cả thị trường bán lẻ điện.

Cải cách thị trường điện Việt Nam theo lộ trình nêu trên là Chính phủ đang từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện. Lộ trình cải cách cho đến năm 2014 tự do hoá một phần thị trường bán buôn điện là hợp lý. Giải pháp cải cách này sẽ có thể đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho ngành điện phát triển bền vững, cần sớm nghiên cứu tách hẳn khâu sản xuất điện năng ra khỏi khâu truyền tải phân phối (tách hãng mua điện độc quyền ra khỏi các hãng sản xuất điện) và nghiên cứu xây dựng các cơ chế tổ chức điều hành hoạt động sản xuất, mua bán truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện một cách khách quan, đồng bộ.

Theo NangluongVietnam.vn