Sáng kiến truyền thông cộng đồng được thực hiện ba năm qua đã giúp A Vương lấy điểm trong mắt người dân vùng hạ du. Khởi phát việc gánh vác trách nhiệm xã hội của giới đầu tư thủy điện này là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện A Vương – Nguyễn Văn Lê.
Công ty CP Thủy điện A Vương phối hợp với UBND huyện Đại Lộc tổng kết công tác phối hợp truyền thông phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. |
Chưa có một hội thảo nào kết luận đúng – sai về mối liên hệ giữa việc xả nước của các hồ thủy điện với cường độ lũ ngày càng lớn ở miền Trung sau “sự cố” năm 2009. Từ sáng kiến truyền thông cộng đồng, A Vương đã không còn là đề tài gây tranh cãi khi nhận sự thông hiểu từ người dân và chính quyền. Cho đến bây giờ, ông Lê vẫn nhớ như in cái cảm giác chông chênh, hụt hẫng khi “sự kiện bất bình thường” ấy xảy ra. Ông Lê nói rằng “sai lầm to” của dự án thủy điện lớn nhất Quảng Nam đưa vào vận hành cuối năm 2008 là chưa chuẩn bị cho cộng đồng hiểu hết về lợi ích và cả hạn chế của thủy điện nên đã phải nhận những “đắng cay” từ dư luận. Nhưng sau những lời giải trình, tận mắt thấy kết cấu, vận hành của nhà máy, nhiều người đã rút lại lời ta thán và tỏ ra thông cảm hơn. Đây là bài học đắt giá để A Vương thức tỉnh, mở rộng truyền thông cộng đồng, tìm kiếm sự thông hiểu và hợp tác phòng lũ từ chính quyền và người dân.
“Lịch sử thủy điện miền Trung chưa ai nghĩ tới công tác dân vận và truyền thông cộng đồng, thậm chí trong chính sách phát triển thủy điện, chưa doanh nghiệp hay tổ chức nào thực hiện. Sau vấp váp, tự hiểu được rằng để giải tỏa mối nghi ngờ từ cộng đồng thì phải tiến hành dân vận, đưa sự thật đến mọi người bằng con đường truyền thông cộng đồng. |
Sáng kiến truyền thông cộng đồng đã nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, nhân viên A Vương, chính quyền và người dân vùng hạ du Đại Lộc. Ba năm qua, dưới sự điều hành của ông Lê, sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp đã được cụ thể hóa bằng việc tiến hành đầu tư cho hệ thống truyền thông cộng đồng phòng tránh lụt bão bao gồm các pa-nô, mốc thước, mốc vạch, hệ thống bản đồ… tiến tới lập một bản đồ ngập lụt cho khu vực. Mỗi xã đã được cấp một bản đồ có đánh dấu các mốc báo mức độ ngập theo mã định vị toàn cầu để theo dõi mức độ ngập nhằm giúp cộng đồng phòng tránh. Sáng kiến hiệu quả nhất phải kể đến chính là mở các hội nghị truyền thông phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tới học sinh và dân cư địa phương; đưa người dân giám sát công tác vận hành nhà máy thủy điện A Vương mùa lũ… Ngoài việc trang bị 72 cột mốc báo ngập lụt cho 12 xã vùng hạ lưu, chuyển 1.000 áo phao đến các đội xung kích và các ban phòng chống lụt bão, việc phát 194 radio, 181 loa cầm tay cho các trưởng thôn thông tin bão lũ và hướng dẫn cư dân địa phương cách sử dụng vật liệu thông thường làm áo phao… hoặc chuẩn bị lương thực cho mùa lũ để “tự cứu mình trước khi chính quyền cứu”.
Ông Lê cho hay truyền thông cộng đồng đã đến được 18 xã, cơ quan, trường học, chợ và người dân Đại Lộc. Sự hợp tác này đã giải tỏa mối nghi ngờ, giúp người dân vùng hạ du nâng cao khả năng phòng tránh, ứng xử hợp lý trong các tình huống lụt bão thực tế. Duy trì thường xuyên lực lượng cựu chiến binh, nông dân, đoàn thể tham gia trực tiếp trong những tháng mưa lũ tại nhà máy, nên những thông tin từ A Vương công bố nhận được sự tin tưởng.
Hiệu ứng của truyền thông cộng đồng mạnh đến nỗi cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Lê Trí Tập đã nói rằng, nếu không xuất phát từ lương tâm, thái độ trách nhiệm với cộng đồng thì khó có thể vượt qua nhiều khó khăn, từ tiền của, thời gian cho một việc làm không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp ngoài vài lời khen tặng như A Vương đã làm. Biết gắn lợi ích của nhà máy với sinh mệnh người dân của ông Lê hay A Vương chính là bài học và kinh nghiệm để các chủ đầu tư nhà máy thủy điện bậc thang khác trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn tham khảo để áp dụng. Rất nhiều lời khen tặng và “ngưỡng mộ” của giới thủy điện dành cho ông Lê và A Vương khi đã đầu tư thời gian và tiền bạc để tạo nên những cuộc truyền thông đầy ý nghĩa. Nhưng ông Lê chỉ nói rằng chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân. Ông hy vọng rằng đây là sự khởi đầu để các nhà đầu tư thủy điện khác thực hiện.
“Suy cho cùng, ngành điện sản xuất điện để phục vụ dân sinh, nếu không gắn với dân sinh thì cũng sẽ trở nên vô nghĩa” – ông Lê nói. Không “hiệu triệu” hay nói nhiều về mình, nhưng chính từ trách nhiệm cộng đồng ấy của A Vương đã khiến các chủ đầu tư không ngần ngại đặt bút ký cam kết mở rộng truyền thông cộng đồng, khởi đầu thí điểm trên hệ thống Vu Gia, mở rộng ra lưu vực Thu Bồn và vị chủ tịch HĐQT A Vương sẽ trở thành “nhạc trưởng” trên toàn hệ thống. Ông Lê nói sự kiện này là sự thành công và hạnh phúc không chỉ của riêng ông và A Vương, bởi một điều đơn giản là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân từ A Vương đã được cộng đồng nhìn nhận và hưởng ứng. Ông cho rằng truyền thông luôn phải được tiếp tục và sáng tạo bằng ngôn ngữ của chính người dân. Vì thế, chẳng có gì lạ khi hết gặp gỡ chính quyền, trường học, nhân viên của A Vương lại ra chợ để giới thiệu tới cộng đồng kinh nghiệm phòng tránh thiên tai thông qua các hoạt động văn nghệ, diễn xướng dân gian gần gũi, dễ hiểu, thu hút sự quan tâm của người dân.
Từ thử nghiệm hệ thống tự động báo mức ngập qua tin nhắn tại một số vị trí đặc biệt, tiến tới xây dựng bản đồ ngập lụt và kiểm soát mức ngập “online” khi có lũ lụt hay thông báo báo động xả tràn hồ chứa thủy điện A Vương trước 2 tiếng đồng hồ và báo động nhắc lại trước 1 tiếng đồng hồ (hiệu lệnh là 5 hồi còi hụ, mỗi hồi dài 30 giây cách nhau 5 giây) trên radio (làn sóng FM, tần số 92,9MHz và 104 MHz) và loa phóng thanh vẫn chưa thỏa “cơn khát” trách nhiệm của vị chủ tịch HĐQT này. Khát vọng lớn nhất được nuôi dưỡng từ khi đưa nhà máy vào hoạt động của ông Lê và cộng sự là hoạch định chuyện quản lý lưu vực, xây dựng bản đồ ngập lụt. Từ kết quả nay, sẽ đánh giá được các công trình giao thông, san lấp mặt bằng ảnh hưởng đến dòng chảy, kiến nghị để các chủ đầu tư mở rộng đường thông thủy, giảm mức ngập cho hạ du. Quan điểm của ông Lê là mọi sự giả dối hay đánh bóng hình ảnh cá nhân, doanh nghiệp sớm muộn gì cũng sẽ bị phơi bày. Chỉ có sự thật và minh bạch mới đưa đến sự thông hiểu của mọi người và biết để tránh gặp những tai họa đáng tiếc. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân.