Truyền thông cộng đồng là cách A Vương đã chọn để kiếm tìm sự thông hiểu và hợp tác phòng lũ từ chính quyền và người dân vùng ngập lụt.

Truyền thông cộng đồng

Kế hoạch truyền thông cộng đồng được Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) triển khai tại Đại Lộc sau vài tháng xảy ra “sự cố” xả nước, gây ngập lụt sâu và rộng bất thường, tạo ra nhiều tranh cãi ngay trong mùa lũ lớn năm 2009. AVC sẽ kéo dài kế hoạch này trong vòng 3 đến 5 năm với sự tham gia của đại diện chính quyền, người dân vùng hạ du. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp 2 năm qua, đã được cụ thể hóa bằng việc tiến hành đầu tư hệ thống truyền thông cộng đồng phòng tránh lụt bão bao gồm các pa-nô, các mốc thước, mốc vạch, các hệ thống bản đồ, các tài sản liên quan… tiến tới lập một bản đồ ngập lụt cho khu vực. Mỗi xã đã được cấp một bản đồ có đánh dấu các mốc báo mức độ ngập theo mã định vị toàn cầu để quản lý mốc và kiểm soát mức độ ngập nhằm giúp cộng đồng nhận biết để phòng tránh. Ngoài việc trang bị cho 12 xã vùng hạ lưu, mỗi xã 6 cột mốc báo ngập lụt để người dân theo dõi, khoảng 800 áo phao cũng đã được AVC trang bị đến các đội xung kích và các ban  phòng chống lụt bão (PCLB), mỗi thôn được cấp 1 radio để nghe thông tin mùa bão lũ và trưởng thôn tại 6 xã thường xuyên bị ngập lụt cũng được trang bị loa cầm tay, đủ phương tiện thông tin ngay cả khi bị mất điện giữa cơn bão, lũ xảy ra.

alt
Một góc thủy điện A Vương.

Theo ông Nguyễn Trâm, Tổng Giám đốc AVC, trước khi triển khai kế hoạch nêu trên, các thông tin hay đánh giá gì về thủy điện cũng chỉ mỗi nhà đầu tư biết. Còn nhân dân các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp dường như không hay biết gì. Truyền thông của AVC đến lãnh đạo huyện, xã, thôn, cộng đồng cư dân và học sinh 20 trường học tại Đại Lộc về lợi ích, hiệu quả và quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi và sông Tranh đã nhận được sự chia sẻ và thông hiểu từ cộng đồng. “Truyền thông cộng đồng đã đến được 18 xã của huyện Đại Lộc. Điều này thực sự cần thiết với người dân. Sự hợp tác từ hai phía đã giúp người dân vùng hạ du đã có thể nâng cao khả năng phòng tránh, ứng xử hợp lý trong các tình huống lụt bão thực tế ”- ông Trâm nói.

alt
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tìm hiểu quy trình vận hành tại thủy điện A Vương. Ảnh: T.DŨNG

Kịch bản mùa nắng, mưa

Không chỉ dừng lại ở việc kiếm tìm sự thông hiểu từ người dân và chính quyền các cấp, AVC còn thường xuyên giới thiệu với cộng đồng về tất cả những gì liên quan đến thủy điện như: tiết kiệm và phòng trách tai nạn điện, hướng dẫn học sinh làm các phao cứu sinh bằng vật dụng dễ tìm thấy, dễ làm như chai nước tại địa phương. Kịch bản cho A Vương mùa nắng hay mưa cũng đã được đặt thảo luận nghiêm túc. Cuộc hội thảo ngày 22.4.2010 tại Đà Nẵng  với chủ đề “Vận hành tối ưu hồ chứa thủy điện A Vương góp phần điều tiết chống hạn hạ du tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng”, đã xác định rằng, vận hành nhà máy A Vương đã làm tăng đáng kể lượng nước trong mùa kiệt từ 1,5 đến 3 lần, góp phần quan trọng trong việc điều tiết giảm hạn và chống mặn xâm nhập vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn. A Vương sẽ sử dụng tối đa khả năng điều tiết hồ chứa để phục vụ nhu cầu sử dụng nước hạ du phối hợp với việc phát điện nhằm đạt hiệu quả tổng hợp cao nhất của công trình. Đến nay, mới chỉ có thủy điện A Vương ký biên bản phối hợp sử dụng nước phát điện và giảm hạn, đẩy mặn hạ du với các địa phương. Còn mùa lũ hàng năm, các phương án cho công tác kiểm tra PCLB cũng được hoàn tất thông qua theo đúng trình tự thủ tục từ tháng 5 đến 30-8. AVC sẽ cung cấp một hệ thống thông tin liên lạc di động chạy suốt tuyến ngay trong mùa lũ, nhằm thông báo việc xả tràn của A Vương để nhân dân có kế hoạch phòng tránh. Ông Nguyễn Trâm thông tin, ngoài hai ca trực thường xuyên, AVC tổ chức thêm một kíp trực dự phòng tại nhà máy trong mùa mưa bão. Lương thực, thực phẩm, vật tư y tế dự phòng, đủ cho lực lượng công nhân vận hành nhà máy liên tục trong vòng 20 ngày đến một tháng trong trường hợp xảy ra sự cố tắc đường hoặc bị cô lập. Ô tô, ca nô sẽ được đưa vào vị trí phòng lũ; đầu tư 2 máy phát điện diezen công suất 100kVA, một máy phát điện công suất 1kW. Ngoài các mạng thông tin hiện có như phủ sóng di động, cáp quang, thông tin điện lực, AVC cũng đã đầu tư và hợp đồng với Đài Thông tin duyên hải, Viễn thông quốc tế tại Đà Nẵng để lắp một vệ tinh tập trung, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ. Tất cả thông báo, kiến nghị, trao đổi có liên quan đến việc vận hành, điều tiết lũ hồ chứa đều thực hiện bằng văn bản, đồng thời bằng fax, thông tin trực tiếp qua điện thoại, chuyển bản tin bằng mạng vi tính, sau đó gửi văn bản gốc để các cơ quan chức năng theo dõi, đối chiếu và lưu hồ sơ quản lý. Nếu vận hành xả khẩn cấp sẽ thông báo ngay và liên tục cho các cơ quan hữu quan từ địa phương tới trung ương, để chỉ đạo chống lũ cho hạ du và thông báo cho các chủ công trình ở hạ du kịp thời phối hợp xử lý. “Với việc duy trì thường xuyên lực lượng cựu chiến binh, nông dân, đoàn thể tham gia trực tiếp trong những tháng mưa lũ tại nhà máy, những thông tin từ A Vương công bố là chuẩn xác và nhận được sự tin tưởng bởi đã có sự kiểm chứng từ các lực lượng giám sát này”- ông Trâm nói.

Theo ông Trâm, sắp tới AVC sẽ tập trung truyền thông một cách sinh động về các mô hình phát điện, trực tiếp so sánh về lợi ích giữa các mô hình phát điện bằng dầu khí, than hay nước… hay sử dụng bóng đèn sợi đốt, tuýp, compact… lợi, hại như thế nào. “Thông qua các cuộc truyền thông này, hy vọng người dân sẽ hiểu thêm không phải tự nhiên để có điện sinh hoạt, mà phát điện đã phải trải qua nhiều quá trình đầu tư, công sức và tự họ sẽ tạo riêng mình ý thức tiết kiệm”- ông Trâm cho biết thêm.

Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện    
Theo Ban Quản lý dự án thủy điện 3, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải được vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, không để mực nước hồ vượt cao trình mực nước dâng gia cường với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; góp phần giảm lũ cho hạ du và bảo đảm hiệu quả phát điện.
Cao trình mực nước đón lũ của hồ A Vương: 376m, hồ Đăk Mi 4 là 255m và hồ Sông Tranh 2 là 172m. Trong quá trình vận hành, căn cứ vào lưu lượng đến hồ và mực nước hồ thực đo hiện tại, nếu dự báo trong 6 đến 12 giờ tới lũ về 3 hồ này đạt đỉnh thì phải vận hành các hồ giảm đỉnh lũ. Khi mực nước hồ đã đạt đến mực nước dâng bình thường, thì vận hành hồ bảo đảm lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ.
Trước khi vận hành mở các cửa xả đầu tiên, giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ nói trên phải thông báo trước 2 giờ đến Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng. Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành hồ liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu ra lệnh vận hành các hồ điều tiết lũ trái với các quy định trong quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13.10.2010.

TÙY PHONG

Theo Báo Quảng Nam Online