Năm 2012 đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt – Lào, trong đó có lĩnh vực trao đổi điện năng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Hùng – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) – đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn cung cấp điện cho nước bạn Lào.
PV: EVN CPC hiện đang trực tiếp quản lý địa bàn có chung đường biên giới với Lào. Ông cho biết, trong quá trình hợp tác cung cấp điện, EVN CPC có gặp khó khăn gì không?
Ông Lê Kim Hùng: Trong những năm qua, ngoài việc cung cấp điện cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng biển đảo, EVN CPC còn hợp tác cung cấp điện cho nhân dân khu vực biên giới Việt – Lào qua 4 cửa khẩu: Lao Bảo, Lalay – Quảng Trị, Đăk Oóc – Quảng Nam, Bờ Y – Kon Tum.
Mặc dù là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng, song mỗi dân tộc lại có những đặc điểm riêng về kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội. Vì vậy, trong quá trình cung cấp điện phục vụ nhân dân nước bạn Lào, EVN CPC đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Địa hình chủ yếu là núi rừng, dân cư thưa thớt gây trở ngại cho quá trình quản lý, kinh doanh mua bán điện; Sự khác biệt về ngôn ngữ, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của CBCNV; Việc kéo dây, dựng cột, đầu tư trạm biến áp không chỉ đòi hỏi công sức của mỗi CBCNV mà còn cần vốn đầu tư rất lớn.
PV: EVN CPC đã khắc phục và vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
Ông Lê Kim Hùng: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cung cấp điện cho nước bạn Lào, EVN CPC đã liên tục đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng với tổng công suất đạt 8 MW, sản lượng điện hằng năm đạt gần 25 triệu kWh… nhằm đảm bảo chất lượng cung cấp điện năng cho nước bạn.
Tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), từ năm 1997, EVN CPC đã đầu tư đường dây 35 kV Khe Sanh – Lao Bảo và trạm cắt 35 kV có chiều dài 20 km, cấp điện cho tỉnh Xavanakhet với công suất khoảng 3 MW. Sau đó, lại tiếp tục đầu tư đường dây, nâng công suất trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực này.
Tại cửa khẩu LaLay (Quảng Trị), năm 2002, EVN CPC đã đầu tư đường dây 35 kV Đăk Rông – LaLay có chiều dài 70 km để cấp điện cho người dân tỉnh Salavan. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai đầu tư trạm, đường dây 110 kV Đăk Rông – Tà Rụt dài trên 31 km với công suất 25 MVA, tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện vào đầu năm 2013.
Sau hơn 4 năm (2008 – 2011), EVN CPC đã đầu tư, cải tạo hơn 13 km đường dây 22 kV với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, cấp điện cho Lào qua cửa khẩu Đăk Oóc (Quảng Nam). Tại cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), từ năm 2008, EVN CPC đã đầu tư gần 1 km đường dây 22 kV với giá trị khoảng 1 tỷ đồng, cấp điện cho người dân tỉnh Atôpư. Ngoài khu vực cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) và cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên Huế), EVN CPC còn cấp điện phục vụ cho các cơ quan liên ngành của nước bạn Lào.
PV: EVN CPC đã có giải pháp gì trong việc đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và nước bạn Lào vào thời điểm đặc biệt như mùa khô?
Ông Lê Kim Hùng: Năm 2011, việc cung cấp điện của Việt Nam nói chung và EVN CPC nói riêng cho nước Lào, được đánh giá là ổn định và liên tục so với những năm trước đây. Tuy nhiên, vào cao điểm mùa khô (từ tháng 6 đến tháng 8), việc thiếu điện vẫn còn xảy ra. Trước tình hình đó, EVN CPC phải huy động các nguồn điện giá cao, phát điện bằng dầu diesel, thực hiện các giải pháp điều hòa phụ tải, tiết giảm điện với các phụ tải trong nước, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các địa phương dọc biên giới Việt – Lào.
PV: Theo ông, để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực trao đổi điện năng giữa hai nước, ngành Điện nói chung và EVN CPC nói riêng cần phải làm gì?
Ông Lê Kim Hùng: Tuyến biến giới Việt – Lào là “cầu nối” có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, đối ngoại của hai nước. Để sự hợp tác có hiệu quả và toàn diện hơn nữa, trong thời gian tới, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện năng giữa Việt Nam và Lào cần thống nhất về kế hoạch hợp tác, trao đổi điện năng.
Theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của EVN, EVN CPC đang trong quá trình lập kế hoạch điều chỉnh giá bán điện cho nước bạn Lào, sau đó, sẽ trình Chính phủ hai nước phê duyệt thực hiện. Cũng theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện lực trực thuộc ít nhất 2 lần/năm cử các đoàn chuyên gia trao đổi các vấn đề kỹ thuật, quản lý giữa 2 nước. Riêng các công ty điện lực quản lý cấp điện trên địa bàn biên giới với Lào, các CNCNV sẽ được xem xét đào tạo tiếng Lào để việc trao đổi trong công việc thuận lợi hơn. EVN CPC mong muốn góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền vững giữa hai nước Việt – Lào anh em.