Trước tình hình thị trường tài chính chung quá khó khăn, EVN vẫn đang nỗ lực tìm đối tác để thoái vốn lĩnh vực chứng khoán. Mục tiêu đến năm 2015, tập đoàn sẽ thoái vốn triệt để ở tất cả các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

Đến năm 2015, EVN sẽ thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoản, ngân hàng, bảo hiểm (ảnh minh họa)

Thực hiện tái cơ cấu tập đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành.

Ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết đã thực hiện bàn giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) quản lý.

Về ngân hàng, hiện EVN đang trình Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về chuyển nhượng vốn 5,3% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank để đảm bảo cho EVN nắm giữ về mức quy định theo luật tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính Phủ.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bất động sản, EVN có chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các Công ty liên kết và đã giao người đại diện phần vốn của EVN tại các công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần.

Bên cạnh đó, hội đồng thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết thoái vốn trong kinh doanh chứng khoán. Nhưng trước tình hình thị trường tài chính chung quá khó khăn, EVN hiện đang phải nỗ lực tìm đối tác để thoái vốn ở lĩnh vực này.

“Tập đoàn đã xây dựng lộ trình, kiên quyết đến đến năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoản, ngân hàng, bảo hiểm,” ông Thanh khẳng định.

Dự kiến cuối tháng 2 này, sẽ thông qua kế hoạch chi tiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt để triển khai thực hiện.

 EVN đề xuất bán tiếp cổ phần tại các công ty phát điện

Ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN vừa khẳng định với báo chí sẽ tiến hành xem xét báo cáo Chính phủ cho bán tiếp cổ phần tập đoàn đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hóa mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối như: Công ty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Công ty thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, các công ty CP nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh… Nguồn vốn thu được sẽ tập trung cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Bên cạnh đó, EVN sẽ thành lập các Tổng công ty phát điện TNHH MTV, trước mắt trực thuộc EVN, sau đó sẽ tách khỏi EVN và tiến hành cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp phục vụ cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh theo lộ trình của Chính phủ.

Theo Dân trí