Kỹ thuật phun nước muối vào những đám mây ở phía trên đại dương sẽ giảm sức mạnh của bão và thậm chí có thể ngăn chặn sự hình thành của chúng.
Biển động bởi bão. Ảnh: mommysdirtylittlesecret.com. |
Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng nhiệt độ trên bề mặt đại dương càng cao thì các cơn bão càng mạnh. Vì thế giới khoa học dự đoán các cơn bão sẽ ngày càng mạnh hơn khi nhiệt độ trái đất tăng do biến đổi khí hậu.
Livescience cho biết, Alan Gadian, một nhà nghiên cứu của Đại học Leed tại Anh, cho rằng việc phun nước muối sẽ khiến những đám mây ở phía trên đại dương trở nên sáng hơn. Độ sáng của mây càng tăng thì chúng càng phản chiếu nhiều ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ, nhờ đó nhiệt độ bề mặt đại dương sẽ giảm. Nhiệt độ bề mặt đại dương càng giảm thì sức mạnh của các cơn bão càng thấp.
Phun hóa chất vào mây là kỹ thuật đã được nhiều nước áp dụng từ lâu nhằm ngăn chặn hoặc thúc đẩy sự hình thành của mưa. Trung Quốc từng phun hóa chất vào mây để ngăn mưa trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh vào năm 2008.
“Nếu muốn giảm nhiệt độ ở hai cực địa cầu, bạn phải làm nguội các vùng ở xích đạo. Hai cực hấp thu nhiệt từ xích đạo thông qua khí quyển và đại dương”, Gadian nói.
Thách thức lớn nhất của nhóm nghiên cứu là con người chưa từng thử nghiệm kỹ thuật phun hóa chất để làm tăng độ sáng của mây. Tuy nhiên, họ sẽ cố gắng thực hiện một thử nghiệm như vậy trong tương lai gần bằng cách sử dụng một số tàu để phun những hạt muối nhỏ li ti vào mây trên một khu vực có diện tích 100 km2.
Gadian và các đồng nghiệp nói phun hóa chất vào mây tầng tích cũng có thể làm giảm tốc độ ấm lên của trái đất. Hiệu ứng này sẽ thể hiện rõ rệt ở hai cực – nơi đang hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận định đó không phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu.