Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2016.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần bổ sung, hoàn thiện Đề án một số nội dung sau:

Về khung thời gian của Chiến lược phát triển ngành Điện lực giai đoạn tới, Bộ Công Thương đề xuất khung thời gian phù hợp để Chiến lược sau khi được phê duyệt sẽ làm cơ sở để triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 có xét đến năm 2040.

Về đánh giá hiện trạng ngành Điện và thực hiện Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Công Thương cần cập nhật số liệu chính thức ngành Điện năm 2015; bổ sung đánh giá kỹ hơn về thực hiện chiến lược phát triển lưới điện trong đó chú trọng đánh giá phát triển lưới điện đồng bộ với tiêu chí phát triển nhằm nâng cao độ tin cậy gắn với hiệu quả đầu tư và vận hành; đánh giá nội dung thực hiện giảm bớt cấp điện áp trung thế của lưới điện phân phối và tiến độ thực hiện; chiến lược tài chính và huy động vốn đầu tư vào ngành Điện giai đoạn vừa qua, trong đó bổ sung số liệu cụ thể về tài chính và các cơ chế hoạt động của ngành Điện (cho tất cả các khâu sản xuất – truyền tải – phân phối và kinh doanh điện), thu hút vốn ODA, vốn đầu tư tư nhân trong nước, vốn FDI (chủ yếu theo hình thức Hợp đồng BOT), cổ phần hóa các đơn vị phát điện…

8 tổ máy của NMTĐ Hòa Bình

Về quan điểm phát triển ngành Điện, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững ngành Điện; đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường.

Về các chiến lược phát triển cụ thể cho các lĩnh vực, cụ thể về chiến lược phát triển nguồn điện, Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật các chỉ đạo hiện nay về phát triển điện hạt nhân để hiệu chỉnh các nội dung liên quan. Trên cơ sở đó, cân đối lại chiến lược phát triển nguồn nhiệt điện than một cách hợp lý, đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.

Bổ sung, làm rõ định hướng áp dụng công nghệ đối với phát triển nguồn nhiệt điện than (siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, khí hóa than, công nghệ xử lý nhiên liệu và trộn than v.v…), gắn với vấn đề bảo vệ môi trường trong bối cảnh nước ta đã tham gia và cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Bổ sung tính toán và đề xuất định hướng phát triển hạ tầng phục vụ nhập khẩu than cũng như vận chuyển than hợp lý theo vùng miền trong toàn quốc; bổ sung, làm rõ định hướng phát triển các nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phát triển hệ thống liên kết khí, thị trường khí…

Về chiến lược phát triển lưới điện, bổ sung các định hướng cụ thể về phát triển lưới điện đồng bộ theo hướng thông minh, hiện đại, trong đó có các nội dung về tự động hóa lưới điện, phát triển trạm biến áp không/bán người trực, đo đếm thông minh… Ngoài ra, cần rà soát và có kiến nghị cụ thể việc tiếp tục triển khai thực hiện giảm bớt cấp điện áp trung thế của lưới điện phân phối…

Theo EVN