Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện số 09/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ hôm nay (27/6), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ vĩ Bắc; 118,0 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 40 đến 50 km một giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 28/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 40 đến 50km một giờ), giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận – Cà Mau, Cà Mau – Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông, gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2,5-3,5m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Ngoài ra, hoàn lưu của vùng áp thấp ngoài khơi nam Trung Bộ (suy yếu từ áp thấp nhiệt đới) tiếp tục gây mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh cho khu vực từ Đà Nẵng – Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.