1. Tình hình thời tiết, thủy văn từ đầu mùa mưa bão 2014 đến nay
1.1. Khí tượng
1.1.1. Bão và áp thấp nhiệt đới
Từ đầu mùa mưa bão tới nay có 02 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, ít hơn hẳn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng thời kỳ năm 2013, trong đó cơn bão số 2 (Rammasun – từ ngày 11-19/07) và số 3 (Kalmaegi – từ ngày 15-17/09) đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
1.1.2. Không khí lạnh
Từ tháng 5/2014 đến nay đã xuất hiện 3 đợt không khí lạnh (KKL) ảnh hưởng đến thời tiết nước ta. Số đợt KKL xấp xỉ TBNN và ít hơn so với năm 2013.
1.1.3. Nắng nóng
Từ tháng 5/2014 tới nay, đã có 14 đợt với 121 ngày nắng nóng diện rộng trên phạm vi cả nước, xấp xỉ TBNN và nhiều hơn so với cùng thời kỳ năm 2013 đến 03 đợt. Nhìn chung, các đợt nắng nóng thường kéo dài từ 4-7 ngày với nhiệt độ tối cao phổ biến từ 39-410C, có nơi trên 410C. Cá biệt, có đợt nắng nóng kéo dài trên hai tuần (cuối tháng 5, đầu tháng 6) tại Bắc Bộ và Trung Bộ.
1.1.4. Mưa lớn
Từ đầu mưa bão đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện 14 đợt mưa lớn, ít hơn TBNN và xấp xỉ cùng thời kỳ năm 2013.
Nhìn chung, cường độ và tổng lượng mưa các đợt không quá lớn. Một số đợt mưa tiêu biểu như:
– Đợt mưa từ ngày 28/4-04/5:Xảy ratại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, lượng mưa phổ biến từ 80-180mm;
– Đợt mưa từ ngày 11-13/6: Tại khu vực Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 100-250mm;
– Đợt mưa từ ngày 18-21/7: Do hoàn lưu của cơn bão số 2, ở vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm;
– Đợt mưa ngày 20-21/9: Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm;
– Đợt mưa từ ngày 5-7/10: Mưa diện rộng trên khắp Bắc Bộ và Trung Bộ, lượng mưa phổ biến ở Bắc Bộ đạt mức 30-50mm, Trung Bộ 50-100mm, có nơi cao hơn như Hà Tĩnh 162mm (ngày 06/10) hay Đồng Hới 186mm (ngày 06/10).
1.1.5. Nhiệt độ trung bình, tổng lượng mưa
Trong những tháng mùa mưa bão vừa qua, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,5-1,5oC.
Nhìn chung, lượng mưa trên phạm vi cả nước từ đầu mùa mưa bão cho tới nay thiếu hụt so với TBNN, ngoại trừ một vài nơi thuộc Tây Bắcnhư Lai Châu, Đông Bắc như Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ như ở Tây Nghệ An và hầu hết khu vực Tây Nguyên.
1.2. Thủy văn
1.2.1. Bắc Bộ
Lũ tiểu mãn thuộc loại rất nhỏ đến muộn so với TBNN (22/5) khoảng 6-8 ngày và chỉ xuất hiện trên thượng lưu sông Đà, sông Lô và sông Cầu với biên độ lũ lên từ 0,7-1,6m.
Từ tháng 6-9/2014, trên hệ thống sông Bắc Bộ đã xảy ra khá nhiều trận lũ: khoảng 4-5 đợt lũ trên mỗi sông trong đó có 2-3 đợt lũ vừa – lớnvới biên độ lũ lên 4-6m ở thượng lưu các sông lớn và 10-11,5m trên các sông suối nhỏ. Lũ trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn, sông Chảy tại Bảo Yên, sông Lô tại Hà Giang đều vượt mức báo động (BĐ) 3; sông Lục Nam tại Lục Nam gần mức BĐ 3. Lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Bôi tại Hưng Thi đều vượt mức BĐ 2. Lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La đạt 13.400m3/s, thuộc loại lũ lớn.
Đỉnh lũ hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức 6,32m (13h ngày 23/7/2014), thấp hơn BĐ 1 đến 3,18m. Đây là đỉnh lũ thấp thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc (đỉnh lũ thấp nhất lịch sử vào năm 2011 là 4,76m).
Tổng lượng nước trong 5 tháng mùa lũ (tháng 5-9/2014) trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến vẫn thiếu hụt so với TBNN:
– Sông Thao tại Yên Bái: -37%;
– Sông Lô tại Tuyên Quang: -30%;
– Sông Đà đến hồ Sơn La: -27%, đến hồ Hòa Bình: -7%;
– Hạ du sông Hồng tại Hà Nội: -34%.
Mực nước các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ hiện nay (tính tới ngày 6/10) ở mức gần mực nước dâng bình thường và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tổng dung tích 4 hồ lớn này hụt 373 triệu m3 so với thiết kế (24425 triệu m3) và hụt 432 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Mực nước các hồ thủy lợi chính ở Bắc Bộ: 12/16 hồ đã gần hoặc đạt mức thiết kế; 1/16 hồ đang phải xả tràn và chỉ có 3/16 hồ còn dưới mức thiết kế 25-48%.
1.2.2. Trung Bộ, Tây NguyênvàNam Bộ
Trung Bộ và Tây Nguyên
Từ tháng 6 đến đầu tháng 10/2014, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện 8 đợt lũ nhỏ, đỉnh lũ trên phần lớn các sông ở mức thấp, riêng một số sông ở Quảng Bình, Bình Thuận và Tây Nguyên đạt BĐ 1-BĐ 2.
Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính đều thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 20-65%, một số sông thấp hơn từ 70-80%.
Mực nước ở các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn: Phần lớn các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Nghệ An đạt từ 60-95% dung tích thiết kế, các hồ ở Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đạt từ 90-100%, một số hồ đang tràn; riêng các hồ từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận chỉ đạt 12-35%.
Mực nước ở các hồ chứa thủy điện vừa và lớn: Mực nước hầu hết các hồ ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-4,0m, một số hồ thấp hơn rất nhiều như hồ A Vương: 29,94m, hồ Sông Tranh 2: 26,62m, hồ KaNăk: 12,97m, hồ Sông Hinh: 12,12m, Vĩnh Sơn B: 7,09m.
Nam Bộ
Từ tháng 6-8/2014, ở trung hạ lưu sông Mê Kông đã xuất hiện 2-3 đợt lũ với biên độ lũ lên tại các trạm thượng lưu phổ biến từ 5-8m, tại các trạm hạ lưu là 3-5m. Đặc biệt, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2014 đã xuất hiện đợt lũ lớn nhất năm ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,95m (ngày 13/8), dưới BĐ 2: 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,20m (ngày 14/8), trên BĐ 1: 0,20m và đều cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,70-0,75m.
Từ giữa tháng 8 đến nửa đầu tháng 10/2014, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và hiện nay đang thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,8-0,9m.
Trên sông Đồng Nai xuất hiện 2 đợt lũ nhỏ, đỉnh lũ cao nhất tại Tà Lài: 112,70m vào ngày 01/8/2014 (trên BĐ 1: 0,20m).
2. NHẬN ĐỊNH XU THẾ THỜI TIẾT, THỦY VĂN MÙA ĐÔNG XUÂN NĂM 2014-2015
2.1. Khí tượng
2.1.1. Hiện tượng ENSO
Hiện nay, ENSO đang ở trạng thái trung gian nhưng nghiêng hơn về pha nóng. Khả năng xuất hiện El Nino trong vụ đông xuân 2014-2015 được đánh giá vào khoảng 50-60%. Nếu xuất hiện đây sẽ là El Nino yếu so với các El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây.
2.1.2. Bão và ATNĐ
Từ nay đến hết mùa mưa bão năm 2014 có thể còn 3-4 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, ít hơn so với TBNN.
2.1.3. Không khí lạnh và đợt rét đậm – rét hại đầu tiên
Nhiều khả năng, KKL mạnh sẽ hoạt động sớm hơn so với TBNN, đợt rét đậm – rét hại đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ xảy ra trong nửa đầu tháng 12/2014, sớm hơn so với TBNN.
2.1.4. Nhiệt độ
Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nền nhiệt độ toàn mùa đông xuân 2014-2015 ở mức cao hơn so với TBNN từ 0,5-1,5oC. Những tháng đầu mùa đông có nhiệt độ thấp hơn so với những tháng cuối mùa. Nhiệt độ trung bình toàn mùa cao hơn TBNN từ 0,5-1,0oC và ít dao động ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
2.1.5. Lượng mưa
Tổng lượng mưa toàn mùa đông xuân 2014-2015 tại Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt từ 15-30% so với TBNN, ở Trung Bộ thiếu hụt khoảng 10-40%. Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên sẽ ở mức xấp xỉ TBNN và mùa mưa ở Nam Bộ sẽ kết thúc sớm, lượng mưa mùa đông xuân 2014-2015 ở đây sẽ ít hơn so với TBNN.
2.2. Thủy văn
2.2.1. Bắc Bộ
Dòng chảy trong toàn mùa đông xuân năm 2014-2015 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức TBNN khoảng 10-40%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3-4/2015) sẽ thiếu hụt khoảng 15-30%.
Lưu lượng trung bình mùa cạn (10/2014-4/2015) trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ ở mức 800-1200m3/s (TBNN là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2-0,3m và xuất hiện vào tháng 2/2015.
Trong mùa cạn năm 2014-2015, khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, riêng ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc Bộ sẽ gay gắt hơn so với các vùng khác. Trong các tháng cuối của mùa cạn năm 2014-2015 sẽ xuất hiện tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện so với năm 2013 nhưng ít căng thẳng hơn so với cùng kỳ của mùa cạn các năm 2010, năm2011.
2.2.2. Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên
Hiện tại, các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang ở thời kỳ chính vụ mùa mưa lũ. Trong mùa lũ năm 2014, số đợt lũ xuất hiện ít hơn so với TBNN và năm 2013. Đỉnh lũ năm 2014 trên hầu hết các sông đều thấp hơn đỉnh lũ TBNN, thấp hơn đỉnh lũ năm 2013. Dự kiến, đỉnh lũ các sông thuộc Thanh Hóa dưới mức BĐ 1, các sông từ Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ 1 – BĐ 2, có nơi cao hơn BĐ 2.
Trong mùa cạn, dòng chảy đều thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 30-40%trên các sông ở Bắc Trung Bộ; từ 20-65% trên các sông ở Trung và Nam Trung Bộ và có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Dòng chảy các sông ở Bắc Tây Nguyên vào đầu mùa sẽ ở mức thấp hơn TBNN khoảng 10-35%, đến cuối mùa ở mức cao hơn từ 5-15%. Dòng chảy vào đầu mùa trên các sông ở Nam Tây Nguyên sẽ thấp hơn từ 18-40%, cuối mùa ở mức cao hơn từ 7-10% so với TBNN.Nhiều khả năng, tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên trong nửa đầu năm 2015.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống dần. Đầu mùa cạn, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và trên sông Hậu tại Châu Đốc đều thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,6 – 0,8m; giữa mùa sẽ ở mức thấp hơn từ 0,2 – 0,4m và cuối mùa ở mức xấp xỉ TBNN. Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với TBNN, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Diễn biến thời tiết, thủy văn trong mùa đông xuân năm 2014-2015 trên phạm vi cả nước có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn và thiếu nước; nền nhiệt độ tăng cao nhưng rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm; ít bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.